Báo cáo tình hình cổ phần hóa, thoái vốn 5 tháng đầu năm vừa được Bộ Tài chính vừa công bố cho thấy, tính từ đầu năm tới hết tháng 5 đã có 13 doanh nghiệp (DN) đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa có tổng giá trị thực tế là 4.157 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn Nhà nước tại DN là 1.218 tỷ đồng.
Theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt thì vốn điều lệ của 13 đơn vị này là 1.563 tỷ đồng trong đó Nhà nước nắm giữ 848 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 362 tỷ đồng, bán cho người lao động 46 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 11 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 294 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thông tin cần nêu là đã có bao nhiêu DN đã thực hiện cổ phần hóa trên thực tế thì Bộ Tài chính vẫn bỏ ngỏ.
Về tình hình thoái vốn, báo cáo cho thấy, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được 3.445 tỷ đồng và thu về 14.806 tỷ đồng (bao gồm cả các khoản thoái vốn trong năm 2016 nhưng mới được các đơn vị báo cáo trong 5 tháng đầu năm).
Trong số trên, thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm thu về được 46 tỷ đồng, hụt khoảng 1 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu do khoản đầu tư 800 triệu đồng của TCT Du lịch Hà Nội vào chứng khoán ASEAN có giá trị thu về bằng 0 đồng.
Thoái vốn đầu tư ở DN khác (ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm) thu về 2.534 tỷ đồng.
Riêng Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) trong 5 tháng đầu năm đã bán vốn tại 18 DN và thu về 12.225 tỷ đồng. Con số này bao gồm cả số thoái trong năm 2016 của Vinamilk với giá trị sổ sách 783,7 tỷ đồng, thu về 11.286,4 tỷ đồng.
Sớm quyết định phương án bán nốt vốn Nhà nước tại Vinamilk
Mặc dù đưa ra đánh giá các tập đoàn, tổng công ty đã tích cực đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN nhưng báo cáo Bộ Tài chính cũng chỉ ra thực trạng, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa còn chậm và chưa đáp ứng được yêu cầu và kế hoạch đề ra.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ được giải thích do đối tượng cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này chủ yếu là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý, kiểm toán trước khi công bố giá trị DN.
Mặt khác, việc thực hiện cổ phần hóa các DN có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cho biết, “việc bàn giao các DN đã cổ phần hóa về SCIC còn chậm.” Chưa kể, việc thoái vốn, giảm tỷ lệ vốn Nhà nước đầu tư tại các DN theo tiêu chí phân loại DN Nhà nước chậm được triển khai.
Công tác thoái vốn khỏi ngành nghề kinh doanh chính và bán hết vốn trong những ngành và lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ cũng chưa đạt kết quả như kỳ vọng.
Liên quan đến các DN cổ phần hóa chưa niêm yết, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết đã tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ danh sách 578 DN đã cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
“Bộ Tài chính đang rà soát để công bố công khai danh sách DN cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán trên cổng thông tin điện tử Chính phủ và cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính,” báo cáo cho biết.
Bộ này cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, báo cáo Thủ tướng công khai danh sách các DN phải thực hiện bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn về SCIC.
Đặc biệt, tại báo cáo này, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng phương án thoái vốn tại Habeco, Sabeco theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Video: Ngân hàng nhà nước công bố 4 điểm bán tiền lưu niệm
Đồng thời trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm quyết định phương án bán tiếp số cổ phần của SCIC còn lại tại Vinamilk.
Theo kế hoạch được Bộ Công Thương công bố hồi tháng 8 năm ngoái, cơ quan này dự kiến thực hiện thoái toàn bộ gần 82% vốn Nhà nước đang nắm giữ tại Habeco ngay trong năm 2016, dự kiến thu về 9.000 tỷ đồng.
Còn việc thoái vốn tại Sabeco sẽ được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 bán 53,59% vốn điều lệ, tương đương 24.000 tỷ đồng thực hiện trong năm 2016 và đợt 2 bán 36% vốn điều lệ còn lại, tương đương 16.000 tỷ đồng trong năm 2017.
Tháng 10/2016, Bộ Công Thương đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo thoái vốn Nhà nước tại Sabeco, Habeco với Trưởng ban là Thứ trưởng Cao Quốc Hưng và 10 thành viên là lãnh đạo các phòng ban chuyên trách tại Bộ Công Thương, lãnh đạo Sabeco, Habeco.
Tuy nhiên, sau khi hai DN này lên sàn, đến nay đã nửa năm 2017 trôi qua song tiến độ thoái vốn Nhà nước khỏi Sabeco và Habeco vẫn chưa có gì tiến triển.
Bình luận