Công ty TNHH thu phí tự động VETC (gọi tắt là Công ty VETC - đơn vị lắp đặt và vận hành hệ thống thu phí tự động), đơn vị được Bộ GTVT ký hợp đồng độc quyền cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 sau 5 năm “ôm” và “ngâm” dự án đã vừa có văn bản xin thôi không làm dự án nữa.
Lý do đơn vị này đưa ra là sau 5 năm triển khai dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1, hiện vẫn còn nhiều nhà đầu tư BOT không chịu hợp tác trong triển khai thu phí tự động, điều này khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản.
Do đó, VETC đề nghị Bộ GTVT lựa chọn nhà đầu tư khác nhận chuyển giao dự án hoặc Nhà nước nhận lại dự án này để tiếp tục triển khai. Hoặc Bộ GTVT có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo hoặc cho dừng hợp đồng và thực hiện các thủ tục phá sản doanh nghiệp trong tháng 12/2019 trong trường hợp những tồn tài và khó khăn nêu trên không được giải quyết.
Nếu bắt buộc phải tiếp tục thực hiện dự án, VETC đề nghị Bộ GTVT chia sẻ rủi ro, bù doanh thu thiếu hụt so với phương án tài chính của hợp đồng dự án.
Nhiều câu hỏi được dư luận đặt ra trong những ngày qua khi nghe thông tin trên. Tại sao một chủ trương đúng lại khó triển khai như vậy? Việc trì hoãn thu phí tự động không dừng liệu có xuất phát từ lợi ích kinh tế của chủ đầu tư BOT hay lợi ích nhóm nào đó. Sau khi “ôm” dự án 5 năm trời, đến hạn cuối (31/12/2019) khi không làm được thì quay ra trả dự án?
Vẫn bài cũ, được thì ăn, thua Nhà nước chịu
Theo PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, dự án thu phí tự động không dừng thuộc loại hình hợp đồng đối tác công tư BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành), một hình thức hợp đồng cởi mở. Nhà đầu tư BOO không thể cứ thấy lợi ích thì lao vào, khó thì đòi trả dự án hay chia sẻ rủi ro.
"Thu phí tự động không dừng giúp rút ngắn thời gian, minh bạch, quản lý tiện lợi..., đó là những lợi ích không ai phủ nhận được và các nhà đầu tư BOT chắc chắn phải thực hiện.
Tuy nhiên, VETC khoan hãy đổ lỗi cho các nhà đầu tư BOT. Dự án thu phí tự động không dừng kéo dài 5 năm nhưng tiến độ quá chậm trễ. Bản thân VETC, các nhà đầu tư BOT, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền như Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT phải xem xét lại quá trình thực hiện dự án vướng ở đâu để tháo gỡ", PGS.TS Trần Chủng nói.
Theo PGS.TS Trần Chủng, dự án thu phí tự động không dừng không phải chỉ chăm chăm mua sắm thiết bị, xây dựng phần mềm, mang đến lắp đặt và thu tiền mà còn nhiều việc khác phải làm.
Thứ nhất, để triển khai được hợp đồng BOO, giữa VETC và nhà đầu tư BOT phải ký phụ lục hợp đồng do phát sinh một lượng chi phí nhất định cho việc lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng. Đây là thủ tục tài chính bắt buộc phải tôn trọng và thực hiện. Nhà đầu tư BOT phải tuân thủ hợp đồng dự án, nếu không ký phụ lục hợp đồng họ không thể thực hiện được.
"Hiện mới có 11/44 trạm thu phí ký phụ lục hợp đồng dịch vụ, còn 33 trạm chưa ký. Do đó, phải bổ sung phụ lục hợp đồng, không phải chỉ lo đi lựa chọn thiết bị", PGS.TS Trần Chủng nói.
Thứ hai, về mặt kỹ thuật, phải đảm bảo hệ thống thiết bị kết nối được với hệ thống trong toàn quốc. Phải có đánh giá chính thức, nghiệm thu sự liên thông của toàn bộ hệ thống.
Thứ ba, nhà đầu tư BOO phải tìm ra giải pháp, cách thức để những người sử dụng dịch vụ này sẵn sang dùng. Người dùng phải dán etag, mở tài khoản, đặc biệt đối với chủ doanh nghiệp vận tải lớn phải có cách thu phí tiện lợi hơn.
"Dự án thu phí tự động không dừng không thành công đó chính là do cách tổ chức triển khai không tốt. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đứng ra ký kết hợp đồng BOO phải chịu trách nhiệm với sự không thành công này, không phải chỉ có lỗi của nhà đầu tư", PGS.TS Trần Chủng nhấn mạnh.
Riêng đối với phụ lục hợp đồng giữa VETC và nhà đầu tư BOT, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam lưu ý, mức trích thu phí là chính là điều khoản gây tranh cãi song kinh tế thị trường bắt buộc phải có điều khoản thỏa thuận này. Mức trích thu phí không thể áp đặt mà phải có hướng dẫn cũng như sự thương thảo, thỏa thuận giữa hai bên.
"Bản chất của thu phí tự động không dừng rất tốt, hợp đồng BOO rất cởi mở nhưng phải hiểu bản chất của hình thức này. Nhà đầu tư BOO và cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thấy có lỗi của chính mình trong cách thức triển khai thực hiện", PGS.TS Trần Chủng nói.
Chia sẻ quan điểm về việc chậm trễ triển khai thu phí tự động không dừng, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, nguyên nhân của sự chậm trễ trên chính là do mâu thuẫn giữa quyền lợi cá nhân và quản lý nhà nước, chứ không phải sự độc quyền trong cung cấp dịch vụ.
"Độc quyền ở đây phải hiểu theo ý khác. Dù là độc quyền nhưng chắc chắn Nhà nước phải chỉ định hoặc chọn thầu, phải có sự cân nhắc của Bộ GTVT chứ không phải quyết định một cách mơ hồ. Nếu độc quyền mà đơn vị được chọn có năng lực, uy tín, dịch vụ chất lượng thì không có vấn đề gì cả", ông Nguyễn Xuân Thủy nói.
VETC muốn trả, Bộ GTVT chưa bàn
Trong văn bản gửi Bộ GTVT, VETC cho biết, giai đoạn 1 đã qua 5 năm triển khai (từ tháng 11/2014). Tuy vậy, tới nay mới lắp đặt hệ thống thu phí tự động tại 27/44 trạm thu phí, số đã lắp đặt mới có 23 trạm đang vận hành.
Số vốn đã giải ngân cho dự án khoảng 1.300 tỷ đồng. Dù vậy, công ty VETC mới ký được hợp đồng dịch vụ thu phí tự động với 11/44 trạm thu phí. Số trạm còn lại chưa ký được phụ lục hợp đồng và hợp đồng dịch vụ.
Trong văn bản gửi Bộ GTVT, VETC cho rằng, dự án thu phí tự động không dừng không hoàn thành, lỗi không phải ở chủ đầu tư mà do Bộ GTVT.
“Chủ đầu tư cung cấp sản phẩm thu phí không dừng cho Bộ GTVT, nhưng Bộ GTVT không chỉ đạo được các nhà đầu tư BOT thực hiện nên không thể làm được”, văn bản của VETC khẳng định.
Trả lời báo chí về vấn đề trên, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Huyện khẳng định, nhà đầu tư VETC vẫn phải thực hiện hợp đồng đã ký kết, không có chuyện xin trả lại dự án.
Theo ông Huyện, nhà đầu tư VETC vẫn phải thực hiện hợp đồng đã ký kết, chứ không có chuyện xin dừng hay xin trả lại dự án. Theo ông, tiến độ lắp đặt thu phí không dừng theo chỉ đạo của Chính phủ "gấp lắm rồi".
Về việc nếu có nhà đầu tư khác nhảy vào xin thay thế đầu tư, liệu Bộ có xem xét hay không, ông Nguyễn Văn Huyện trả lời: Bộ GTVT chưa tính đến phương án này, chưa bàn.
Còn Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, ông đã nắm được thông tin VETC xin trả lại dự án. Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng dứt khoát, hiện Bộ GTVT chưa xem xét đến việc đồng ý hay không với đề nghị trả lại dự án của VETC.
Để giải quyết sự chậm trễ trong triển khai thu thu phí tự động không dừng, theo ông Nguyễn Xuân Thủy, người cầm trịch ở đây là Bộ GTVT. Nhà nước đã quyết và giao quyền cho Bộ GTVT, Bộ GTVT chỉ đạo cấp dưới thực hiện, nếu không thì phải có biện pháp bắt buộc phải thực hiện.
"Chủ đầu tư BOT không đồng ý lắp đặt thu phí tự động không dừng thì phải nêu lý do, lý do chính đáng thì Bộ GTVT xem xét điều chỉnh; nếu không chính đáng thì chủ đầu tư BOT buộc phải tuân theo, không thì Bộ GTVT sẽ phải cưỡng chế và có biện pháp xử phạt. Đó là nguyên tắc hành chính...", chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.
Bình luận