Nhà vô địch châu Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp
Giống như bao người Mỹ khác, Gwen Berry đang đối mặt với những khó khăn về tài chính trong cơn khủng hoảng đại dịch Covid-19. Cô đang tính chuyện nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, hoặc tìm một công việc tạm thời. Nhưng Berry là một vận động viên Olympic.
"Nói đến vận động viên Olympic, mọi người sẽ nghĩ đến những kẻ lắm tiền, như cầu thủ bóng rổ, bóng chày. Nhưng điều đó không đúng ở trường hợp này", Berry nói.
"Các vận động viên Olympic được coi là dân nghiệp dư. Chúng tôi không được trả tiền cho việc tập luyện và tham gia thi đấu. Olympic kiếm ra hàng tỷ USD, nhưng các vận động viên không nhận được đồng nào. Không nhiều người hiểu được điều đó, vì họ không biết gì về vận động viên Olympic.
Họ nghĩ chúng tôi nổi tiếng nhưng điều đó không đúng. Chỉ 1% thôi, thậm chí không được đến vậy, có thu nhập ổn. Phần còn lại không được như vậy".
Việc Olympic Tokyo 2020 bị hoãn là kịch bản tệ nhất đối với Berry. Nữ vận động viên ném tạ mất nhiều hợp đồng tài trợ sau khi có phản ứng mà cô cho là "chỉ ra bất công xã hội" ở Đại hội thể thao toàn châu Mỹ năm ngoái. Ủy ban Olympic Mỹ phạt Berry 12 tháng thử thách.
Việc Olympic bị lùi lại một năm khiến những hợp đồng tài trợ của cô cũng bị cắt nốt. Không giống như những đồng nghiệp khác được các doanh nghiệp lớn, như Visa, gia hạn tài trợ, Berry phải tự lo.
"Đối với tôi tình cảnh này rất khổ sở vì họ cắt hết các khoản thu nhập", Berry nói. Cô kiếm tiền thông qua việc tham gia các giải đấu và giành tiền thưởng. Góp mặt ở Olympic giúp ích rất nhiều.
"Thật khó để mọi người đi tập và tự tạo động lực để tiếp tục trong thời gian này".
Áp lực tiền nong là một trong những thử thách mà hàng trăm vận động viên Olympic phải đối mặt.
Berry cho biết: "Các vận động viên chuyên nghiệp rất căng thẳng. Chúng tôi có chế độ sinh hoạt và muốn tuân thủ.
Khi tất cả mọi thứ dừng lại, cảm giác như nghỉ hưu vậy. Tôi phải làm gì bây giờ, tiếp theo là gì? Nếu không thể tập luyện hay tập trung, tôi sẽ làm gì đây? Thời gian biểu, chế độ sinh hoạt bị xáo trộn, ăn uống, tập luyện, tôi nghĩ điều đó khiến nhiều người phát điên".
Ngôi sao thể thao làm lái xe cấp cứu
Tháng trước, Maxime Mbanda còn đang chuẩn bị cho giải vô địch bóng bầu dục sáu nước Anh, Pháp, Ireland, Italy, Scotland và Xứ Wales. Giải đấu bị hoãn và Mbanda bây giờ đang dành thời gian của mình ở nơi tiền tuyến chống dịch của Italy.
Vận động viên 27 tuổi bắt đầu bằng việc gửi đồ ăn và thuốc cho người lớn tuổi ở Parma, sau đó chuyển sang làm lái xe cấp cứu. Anh làm việc 12 tiếng mỗi ngày, chở bệnh nhân từ bệnh viện này sang bệnh viện khác.
"Tôi trở về Parma, không tập luyện, không thi đấu, mọi thứ hoàn toàn ngưng trệ", Mbanda nói. "Tôi tự hỏi mình rằng phải làm gì cho xã hội".
Mbanda là con trai của một bác sĩ phẫu thuật. Cha của anh không thể thuyết phục con trai mình nối nghiệp, nhưng cuối cùng thì Mbanda cũng làm một công việc, dù chỉ là tình nguyện và tạm thời, liên quan đến ngành y tế.
Sau những ca làm việc kéo dài tới nửa ngày, Mbanda vẫn phải dành ra một chút thời gian tập luyện giữ thể lực. Anh sẽ không thi đấu trong một thời gian dài nữa, vì Liên đoàn bóng bầu dục Italy vừa thông báo hủy toàn bộ phần còn lại của mùa giải.
Giống như Mbanda, vận động viên bi đá trên băng (curling) Vicky Wright cũng lấp đầy khoảng trống trong thời gian biểu những ngày không có thể thao bằng việc tham gia đội ngũ chống dịch Covid-19.
Giải vô địch thế giới ở Canada bị hoãn chỉ hai ngày trước khi khai mạc, cô gái người Scotland quyết định xin vào bệnh viện làm điều dưỡng. Wright thuộc đội ngũ dịch vụ y tế quốc gia - NHS, lực lượng chống dịch Covid-19 của Anh.
"Đây là lúc phải làm điều khác biệt theo cách khác biệt. Tôi đang đóng góp trong một tập thể lớn hơn nhiều", tờ Times dẫn lời Wright.
Wright vốn là một điều dưỡng được đào tạo bài bản và mới chuyển sang nghiệp vận động viên từ tháng 7/2019. Bên cạnh việc tập luyện và thi đấu, cô vẫn làm việc ở bệnh viện 1 ca/tuần.
"Chúng ta đều thấy rằng có những thứ phải được ưu tiên hơn thể thao", Wright nói.
Bình luận