• Zalo

Báo Anh: Chính những gã chủ ích kỷ khiến Premier League điêu đứng mùa Covid-19

Bóng đá AnhChủ Nhật, 05/04/2020 17:32:54 +07:00Google News
(VTC News) -

Dư luận hướng mũi dư luận đến những siêu sao Ngoại hạng Anh giữa tâm dịch Covid-19, nhưng còn trách nhiệm của những ông chủ CLB làm giàu trên nước Anh thì sao?

Tranh cãi xung quanh đề xuất giảm lương cầu thủ để hỗ trợ CLB trong giai đoạn dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt. Không lâu sau khi Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA) cảnh báo về sự nguy hiểm của việc giảm lương đến nguồn thu thuế của chính phủ, đến lượt cây bút Oliver Holt của Daily Mail đăng đàn chỉ trích những ông chủ của các CLB tại Anh.

Theo Holt, chính những tỷ phú lắm tiền nhiều của nói trên mới phải có nghĩa vụ đóng góp cho cộng đồng, thay vì dồn áp lực lên cầu thủ và đối xử với họ như "những đứa trẻ".

Báo Anh: Chính những gã chủ ích kỷ khiến Premier League điêu đứng mùa Covid-19 - 1

Những ông chủ như John W.Henry của Liverpool ở đâu khi cộng đồng cần họ? 

Sau những năm tháng sung túc, rủng rỉnh, khi nước Anh rơi vào khủng hoảng và bóng đá bước vào ngày mưa lạnh giá, những tỷ phú đang sở hữu các đội bóng ở Ngoại hạng Anh kia chỉ để lại thông điệp đơn giản: họ chẳng còn để lại gì cho chúng ta cả.

Họ yêu cầu tất cả phải bù đắp những gì họ đã lãng phí. Họ bắt chúng ta, những người đóng thuế, phải góp sức để chi trả cho các nhân viên CLB (nhiều CLB cho nhân viên nghỉ ở nhà và họ sẽ được nhận 80% lương từ ngân sách thuế của Chính phủ Anh). Và hầu hết, họ đều đòi hỏi và đối xử với cầu thủ như những đứa trẻ. 

Những ông chủ bắt nạt cầu thủ, chiếu cố cho họ, cầu xin họ rồi lại ngạc nhiên khi cầu thủ không tôn trọng mình ở cuộc họp giữa hai bên vào thứ 7 vừa qua.

Khi bóng đá Anh đang bước vào giai đoạn "đấu đá" quyền lợi giữa nhiều bên, hãy nhớ kỹ điều này: Không ai muốn trả một đồng nào để chứng kiến Daniel Levy (ông chủ Tottenham) làm việc. Không ai muốn xem Ed Woodward (Phó Chủ tịch Manchester United) đàm phán hợp đồng với một nhà tài trợ đồ ăn. Không ai muốn thấy Stan Kroenke (cổ đông Arsenal) ngồi đếm tiền.

Chúng ta đều ở đây là vì cầu thủ. Chúng ta đến xem Tottenham để thấy Harry Kane ghi bàn, tới Anfield để xem những đường kiến tạo tuyệt diệu của Alexander-Arnold, đến Etihad để xem đôi chân ma thuật của Kevin de Bruyne, đến Leicester để chứng kiến tốc độ khủng khiếp của Jamie Vardy, đến Old Trafford để theo dõi những đứa trẻ "của nhà trồng được" như Marcus Rashford bùng nổ, hay tới Camp Nou để kinh ngạc trước ma thuật của Lionel Messi. 

Báo Anh: Chính những gã chủ ích kỷ khiến Premier League điêu đứng mùa Covid-19 - 2

CĐV muốn xem Kane chơi bóng, chứ không phải xem Levy chi tiền. 

Bóng đá không là gì nếu thiếu người hâm mộ, và cũng chẳng là gì nếu thiếu các cầu thủ. Chúng ta biết đến bóng đá là vì họ, tới sân theo dõi bóng đá để thưởng thức họ. Tất cả chúng ta, dù ủng hộ ai, ở đội bóng chơi ở Ngoại hạng Anh hay giải bán chuyên nào đó, cũng đều có tính kết nối với mọi cầu thủ.

Chúng ta bỏ tiền ra cho cầu thủ, trong khi những kẻ làm tiền đội lốt những nhà đầu tư kia như Levy, gia đình Glazers, Karren Brady (Phó Chủ tịch West Ham), Kroenke hay Mino Raiola chỉ ngày một giàu thêm và ung dung nhìn dòng tiền chảy vào túi của chúng.

Các CLB có trên dưới 200 triệu bảng tiền bản quyền truyền hình mỗi mùa cũng là nhờ cầu thủ, nhờ thứ cảm giác kịch tính, hồi hộp mà họ mang lại, nhờ kỹ năng tuyệt diệu mà họ sở hữu. Tất cả những người xung quanh chỉ có mục đích kiếm tiền từ họ. 

Khi Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cố ném cầu thủ vào "vạc dầu sôi" khi yêu cầu họ giảm lương, rõ ràng ông ta đã chọn sai mục tiêu. Ông ta chọn những triệu phú đá bóng kia, bởi họ là những đối tượng quá dễ nhắm đến. Cầu thủ không bao giờ là nhân vật phản diện ở đây.

Bởi cầu thủ đâu có tự trả lương cho họ. Những ông chủ và ban lãnh đạo làm điều đó. Nếu chúng ta đang tìm bất cứ ai để đổ vấy trách nhiệm, hãy tìm đến các tỷ phú đang sở hữu những đội bóng Ngoại hạng Anh ấy. Nguyên tắc "càng tham lam càng tốt" đã giúp các ông chủ hái ra tiền suốt thời gian qua, giờ là lúc họ phải đáp lễ.

Video:  Các nhân viên y tế Anh hát bài truyền thống của Liverpool 

Khi các tỷ phú ở Liverpool, Tottenham hay Newcastle nộp đơn xin Chính phủ Anh hỗ trợ ngay khi tài chính gặp vấn đề, dường như họ không hiểu. Nước Anh đang nỗ lực đối mặt với mối đe dọa bệnh dịch nghiêm trọng ảnh hưởng tới rất nhiều người.

Tốt hơn hết, chúng ta phải truy vấn hành động của các chủ sở hữu đội bóng, chứ không phải chất vấn trách nhiệm của các cầu thủ mà chúng ta luôn hâm mộ.

Thông báo cho một số nhân viên tạm nghỉ việc của Liverpool có thể đánh sập nỗ lực xây dựng hình ảnh của Ngoại hạng Anh đầu tuần vừa qua, khi ban tổ chức giải đóng góp 20 triệu bảng cho dịch vụ y tế công cộng Anh (NHS) và ủng hộ tiền cho các CLB hạng dưới.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các cầu thủ thể hiện sự khó chịu trong các cuộc họp với giới lãnh đạo. Họ đã bị những ông chủ đối xử như những đứa trẻ, bị biến thành "vật tế thần" trong cơn khủng hoảng dịch bệnh. Mỗi CLB là một gia đình gắn kết ư? Dịch Covid-19 này đã phơi bày điều hoàn toàn ngược lại.

Báo Anh: Chính những gã chủ ích kỷ khiến Premier League điêu đứng mùa Covid-19 - 3

Pogba và đồng đội đồng ý giảm 30% lương.

Hành động cho nhiều nhân viên tạm nghỉ việc của Liverpool cho thấy mức lương cầu thủ không phải vấn đề những ông chủ băn khoăn. Các cầu thủ MU cũng thống nhất giảm 30% lương để ủng hộ cho NHS, hay đội trưởng Jordan Henderson của Liverpool gây quỹ để quyên góp cho hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Chia sẻ với báo giới tuần trước, một cầu thủ giấu tên ở Anh cũng khẳng định đã dành hầu hết khoản tiền lương trong 2 năm qua cho những mục đích tốt đẹp. Rất nhiều ngôi sao san sẻ sự giàu có của họ cho cộng đồng, ngày càng có nhiều quỹ từ thiện được cầu thủ lập nên. 

Các cầu thủ hoàn toàn có quyền tìm kiếm sự bảo đảm từ các ông chủ, rằng nếu họ đồng ý cắt giảm lương, khoản tiền ấy sẽ được sử dụng ra sao, có đúng mục đích cộng đồng không (hay lại chảy ngược lại vào túi ban lãnh đạo). Giữa cầu thủ và ông chủ, tôi biết mình phải tin ai hơn.

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn