Laurel Hubbard dại diện cho đoàn thể thao New Zealand tranh tài ở hạng cân 87kg nữ, môn cử tạ Olympic Tokyo 2020. Cô là người chuyển giới đầu tiên trong lịch sử thi đấu ở một môn cá nhân của Thế vận hội.
Hubbard từng thi đấu một số giải ở nội dung nam trước khi giải nghệ cách đây khoảng 2 thập kỷ. Lực sĩ người New Zealand làm phẫu thuật chuyển giới và thực hiện liệu pháp hormone từ năm 2012. Đến năm 2017, khi đã 39 tuổi, cô bắt đầu tham dự các giải quốc tế với tư cách một VĐV nữ và giành một huy chương vàng, một huy chương bạc giải thế giới.
Việc Hubbard tham gia thi đấu và giành huy chương gây ra những phản ứng trái chiều. Rất nhiều vận động viên và các quan chức thể thao phản đối việc này, cho rằng về mặt sinh học, Hubbard vẫn có những lợi thế không công bằng so với các đối thủ.
"Việc của tôi không phải là thay đổi nhận thức của người khác. Tôi mong được ủng hộ, nhưng việc tôi không bắt họ phải làm vậy", Hubbard nói trong lần hiếm hoi chia sẻ với truyền thông. Cô không muốn được coi là người đi đầu phong trào hay biểu tượng đòi quyền lợi cho người chuyển giới.
Hiểu rõ những tranh cãi vây quanh mình, VĐV 43 tuổi này rất kín tiếng. Đoàn thể thao New Zealand cũng áp dụng chế độ che chắn tuyệt đối cho Hubbard trước truyền thông, suốt từ giai đoạn chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020 để cô tập trung hoàn toàn vào việc thi đấu.
"Tất cả những gì tôi có thể làm là tập trung vào nhiệm vụ của mình. Tôi hiểu rằng mình sẽ không nhận được sự ủng hộ của tất cả, nhưng hi vọng mọi người sẽ có cái nhìn cởi mở", Hubbard nói.
Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) không có ý kiến gì về việc vận động viên chuyển giới tham dự Thế vận hội. Quyền quyết định về tư cách, điều kiện tham gia của những người như Hubbard thuộc về liên đoàn thế giới của mỗi môn thể thao.
Một nghiên cứu của Đại học Loughborough, Anh chỉ ra rằng đa số những VĐV chuyển giới từ nam sang nữ không có lợi thế đáng kể về mặt thể chất so với những người khác. Trên thực tế, không có vận động viên chuyển giới nữ nào nắm kỷ lục thế giới.
Hubbard không phải VĐV chuyển giới duy nhất tranh tài ở Olympic Tokyo 2020. Đội tuyển bóng đá nữ Canada sẽ thi đấu trận chung kết vào chiều nay với một cầu thủ chuyển giới là Quinn (cô chỉ giữ lại một chữ trong tên sau khi thay đổi giới tính).
"Tôi không biết liệu có thể có một giải pháp vẹn toàn hay không. Nhưng điều tôi lo sợ nhất là Laurel thi đấu tốt, đạt thành tích cao trong khi những người khác làm không tốt, và rồi điều đó bị lấy ra để chống lại những vận động viên chuyển giới khác", Janae Marie Kroc, một VĐV thể hình từng phải chấm dứt sự nghiệp thi đấu thể thao sau khi chuyển giới, chia sẻ.
Thể thao thế giới có nhiều tranh cãi về vấn đề giới tính của các vận động viên trong nhiều năm. Không phải VĐV chuyển giới, nhưng Caster Semenya người Nam Phi cũng là một trường hợp đặc biệt gây ra những quan điểm trái chiều.
Chứng đột biến hormone khiến lượng testosterone trong cơ thể cô cao gần bằng mức trung bình của đàn ông. Nữ VĐV này từng giành 2 huy chương vàng Olympic ở nội dung chạy 800m. Tuy nhiên, Semenya bị cấm thi đấu ở nhiều giải quốc tế và chỉ được tham dự nếu chấp nhận tiêm thuốc giảm hormone.
Bình luận