7 VĐV thi đấu và giành thành tích nổi bật nhất tại Thế vận hội Tokyo 2020 ở các môn thi như bơi, điền kinh, bắn cung, cầu lông, taekwondo do VTC News bình chọn.
Emma McKeon (Australia, bơi)
Cuộc cạnh tranh trên đường đua xanh ở nhiều kỳ Olympic đã qua cho thấy sự thống trị tuyệt đối của đội bơi Mỹ. Tuy nhiên, tại Olympic Tokyo, Mỹ không còn ở thế thượng phong. Đội tuyển bơi Australia đã thi đấu xuất sắc khi giành tới 9 HCV, chỉ kém Mỹ 2 HCV.
Trong số 20 huy chương Australia dành được, có tới 7 huy chương được mang về bởi Emma McKeon. Kình ngư sinh năm 1994 là VĐV thành công nhất của đoàn thể thao Australia tại Olympic Tokyo khi giành tới 4 HCV, 3 HCĐ.
McKeon về nhất ở các nội dung 100m tự do nữ, 50m tự do nữ, 4x100m tiếp sức tự do và 4x100m tiếp sức hỗn hợp nữ. Ở nội dung 50m tự do nữ, McKeon về nhất với thành tích 23,81 giây, phá kỷ lục Olympic do chính cô thiết lập vài ngày trước ở vòng loại.
Hiện Emma McKeon có tổng cộng 11 tấm huy chương ở các kỳ Olympic, vượt qua nam kình Ian Thorpe để trở thành VĐV Australia có nhiều huy chương nhất lịch sử.
An San (Hàn Quốc, bắn cung)
An San trở thành hiện tượng của thể thao Hàn Quốc tại Olympic Tokyo. Trong lần đầu dự Thế vận hội, VĐV sinh năm 2001 xuất sắc giành 3 tấm huy chương vàng ở môn bắn cung.
Cô giành chiến thắng ở nội dung cung 1 dây nữ, cung đồng đội nam nữ và cung đồng đội nữ. Ở vòng loại nội dung cá nhân nữ, An San lập kỷ lục Olympic với số điểm 680/720 điểm tối đa sau 72 phát bắn. VĐV Hàn Quốc có 32 điểm 10, bắn trúng hồng tâm tới 16 lần. An San thi đấu tốt ở mọi phần thi với tâm lý ổn định và chiến thuật hiệu quả.
Chiến thắng ở cả 3 nội dung, An San trở thành VĐV Hàn Quốc đầu tiên đoạt 3 HCV ở một kỳ Thế vận hội. Ngôi sao của đội tuyển bắn cung Hàn Quốc nhận phần thưởng 750 triệu won (khoảng 15 tỷ đồng), được chu cấp 20 triệu won/tháng.
Ở tuổi 20, An San hứa hẹn giúp bắn cung Hàn Quốc thống trị ở ít nhất 1, 2 kỳ Thế vận hội nữa.
Caeleb Dressel (Mỹ, bơi)
Nếu đội bơi Australia có Emma McKeon, đội bơi Mỹ cũng tự hào sở hữu Caeleb Dressel - VĐV được mệnh danh là truyền nhân của Michael Phelps.
Dressel thi đấu ấn tượng tại Olympic Tokyo khi giành tới 5 HCV. Anh chiến thắng ở các nội dung 50m tự do nam, 4x100m hỗn hợp tiếp sức nam, 100m tự do nam, 100m bướm nam và 4x100m tự do tiếp sức nam.
Đại diện của đội bơi Mỹ cũng phá 4 kỷ lục Olympic và 2 kỷ lục thế giới tại Thế vận hội. Cụ thể, Dressel về nhất ở các nội dung 50m tự do nam (21 giây 07, phá kỷ lục Olympic), 100m tự do nam (47 giây 02, phá kỷ lục Olympic), 100m bướm nam (49 giây 45, phá kỷ lục thế giới và Olympic).
Ở nội dung đồng đội, Dressel giành HCV nội dung 4x100m tự do tiếp sức nam (3 phút 08 giây 97) và 4x100m hỗn hợp tiếp sức (3 phút 26 giây 78, phá kỷ lục thế giới và Olympic). Như vậy, Dressel giành 5 HCV ở 6 nội dung đăng ký tham dự tại Olympic Tokyo.
Sifan Hassan (Hà Lan, điền kinh)
Không chỉ là ngôi sao sáng nhất của đoàn thể thao Hà Lan, Sifan Hassan còn trở thành biểu tượng của nghị lực và sự kiên trì. Tại Olympic Tokyo, Hassan giành 2 HCV ở nội dung 5.000m và 10.000m, 1 HCĐ ở nội dung 1.500m dành cho nữ.
Ở nội dung 10.000m, Hassan đã đánh bại Letesenbet Gidey (Ethiopia) - người nắm giữ kỷ lục thế giới 5.000m (14 phút 06 giây 62) và 10.000m (29 phút 01 giây 03). Cô thi đấu bền bỉ và có chiến thuật hợp lý để đánh bại đối thủ trong những bước chạy cuối cùng.
Ở vòng loại 1.500m nữ, Hassan còn gây ấn tượng với ý chí phi thường. Dù bị vấp ngã và để các đối thủ vượt xa, VĐV của Hà Lan đã thực hiện cú bứt tốc xuất thần để cán đích đầu tiên sau 4 phút 05 giây 17 giây, nhanh hơn người về nhì Jessica Hull (Australia) 0,11 giây.
Viktor Axelsen (Đan Mạch, cầu lông)
Viktor Axelsen trở thành tay vợt cầu lông không phải người châu Á đầu tiên vô địch Olympic kể từ năm 1996. Ở chung kết nội dung đơn nam, Axelsen đánh bại Chen Long (Trung Quốc) 21-15, 21-12 để giành huy chương vàng đầy thuyết phục.
Anh đã vượt qua căn bệnh hen suyễn và tổn thương đĩa đệm cột sống để vượt qua giai đoạn khó khăn 2018-2019, trước khi tiến một mạch lên đỉnh cao và phế truất Chen Long khỏi ngai vàng Olympic.
Chiến thắng của Axelsen là lời chứng nhận cho sự vươn mình của cầu lông Đan Mạch trong một thập kỷ qua. Ngoài Axelsen, một tay vợt Đan Mạch khác là Anders Antonsen cũng đứng trong nhóm đầu thế giới.
Cầu lông là môn thể thao thế mạnh của các nước châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Indonesia, nhưng tại Olympic Tokyo, cán cân này đã thay đổi.
Hidilyn Diaz (Philippines, cử tạ)
Ngôi sao cử tạ Hidilyn Diaz àm nên lịch sử khi trở thành VĐV đầu tiên của Philippines giành HCV tại Olympic. Cô chiến thắng thuyết phục ở hạng cân 55kg nữ, đánh bại kỷ lục gia thế giới Liao Qiuyun của Trung Quốc, người đoạt HCB.
Cách Diaz vượt qua Liao cũng rất kịch tính. Với việc Liao đặt mục tiêu là 223kg, kém kỷ lục thế giới của chính mình 4kg, Diaz đã phải đối mặt với mức cử 127kg cuối cùng để giành chiến thắng - nhiều hơn 5kg so với mức từng đạt được trước đó.
Trước thử thách khó khăn, Diaz đã xuất sắc vượt qua với pha cử xuất sắc. Những giọt nước mắt hạnh phúc cùng tấm HCV là phần thưởng xứng đáng cho đô cử Philippines.
Marcell Jacobs (điền kinh, Italy)
Vượt qua nhiều đối thủ mạnh như Fred Kerley (Mỹ), Andre de Grasse (Canada) hay Akani Simbine (Jamaica), VĐV Marcell Jacobs đã về đích ở vị trí đầu tiên nội dung điền kinh 100m nam với thành tích 9 giây 80.
Anh chưa phá được kỷ lục của Usain Bolt, nhưng với việc thắng ở đường chạy 100m - nội dung được quan tâm nhất ở môn điền kinh, Jacobs cũng trở thành "vua tốc độ" mới của thế giới. Ở chung kết nội dung 4x100m nam, Jacobs cùng đội điền kinh Italy cũng xuất sắc về nhất.
Tại Olympic Tokyo, đội tuyển điền kinh của đất nước hình chiếc ủng thi đấu thành công ngoài mong đợi với 5 huy chương, tất cả đều là HCV.
Bình luận