Đoàn Trung Quốc dẫn đầu bảng xếp hạng huy chương Olympic Tokyo 2020 cho tới khi để đoàn Mỹ vượt qua ở ngày bế mạc. Các đại diện của quốc gia tỷ dân này giành 38 huy chương vàng (tổng cộng 88 huy chương), chỉ kém vị trí số một đúng một huy chương vàng.
Truyền thông Trung Quốc đánh giá đây là một thành công của đội nhà. Thực tế, nếu không tính Olympic Bắc Kinh 2008, đây là kỳ Thế vận hội mà đoàn Trung Quốc giành được thành tích tốt nhất.
Tờ Trung Quốc Nhật Báo đưa bài viết với tiêu đề "Trung Quốc chơi sạch ở Olympic Tokyo 2020". Tờ này dẫn lời người phát ngôn của đoàn thể thao rằng: "Trung Quốc thành công ở kỳ Thế vận hội này cả trên góc độ thể thao và đạo đức". Lý do là trong số các vận động viên giành huy chương của đoàn thể thao Trung Quốc, không có trường hợp nào sử dụng doping.
Cũng theo Trung Quốc Nhật Báo, thành công lớn nhất mà ngành thể thao của quốc gia tỷ dân có được từ Olympic Tokyo 2020 là trình làng thế hệ vận động viên trẻ tuổi tài năng. Trong một bài viết có tiêu đề "Thế hệ vàng", tờ báo này dành nhiều lời khen cho 10 tấm huy chương vàng của các vận động viên sinh sau năm 2000, chiếm hơn 25% tổng số HCV của toàn đoàn.
"Rất nhiều vận động viên trẻ, với sự điềm tĩnh và năng lực thể thao vượt trội so với lứa tuổi, đã thu hút sự chú ý của khán giả toàn cầu bằng những màn trình diễn đột phá, dù có hay không giành huy chương", Trung Quốc Nhật Báo bình luận.
Thời báo Hoàn Cầu nhấn mạnh đây là kỳ Thế vận hội ở nước ngoài thành công nhất của thể thao Trung Quốc trong bài phân tích "Vinh quang và đột phá". Tuy nhiên, bài viết này dành phần ưu tiên không phải cho các VĐV giành huy chương vàng, mà cho những người thậm chí còn không xuất hiện trên bục nhận huy chương.
Theo Hoàn Cầu, thành công lớn nhất của thể thao Trung Quốc được thể hiện ở môn điền kinh và bơi. Đây là 2 môn thể thao mà Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung lép vế so với các vận động viên của châu lục khác.
Su Bingtian được gọi là người đưa Trung Quốc đạt đến "tầm cao mới ở môn điền kinh". VĐV này lập kỷ lục châu Á (9,83 giây) trên đường chạy 100m, trở thành người châu Á duy nhất trong vòng 90 năm qua lọt vào chung kết nội dung này ở Olympic. Su Bingtian cũng là vận động viên đầu tiên của đoàn Trung Quốc được cầm cờ trong lễ bế mạc dù không giành được huy chương Thế vận hội.
"Su khó có thể nâng cao thành tích của mình khi đã ở tuổi 32, nhưng thành tích của anh đã truyền cảm hứng cho rất nhiều vận động viên trẻ của Trung Quốc", tờ Hoàn Cầu nhận xét.
Bình luận