Sáng 10/10, phiên toà xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, đương sự.
Tại phiên tòa, luật sư đại diện cho bà Võ Thị Kim Khoa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tân Thành Long An - chủ đầu tư Khu Công nghiệp và đô thị Việt Phát (người có nghĩa vụ liên quan) - cho rằng, sau khi công ty và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ký kết thoả thuận khung để chuyển nhượng dự án này là 30.000 tỷ đồng.
Thời điểm thỏa thuận, phía công ty đã đặt cọc gần 1.700 tỷ đồng để vào điều hành dự án nói trên. Tuy nhiên, tháng 8/2022 hai bên làm hợp đồng, tháng 9 đặt cọc thì đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan bị bắt và dự án bị kê biên nên chưa được triển khai.
Vị luật sư cũng cho biết thêm, giao dịch giữa Công ty Cổ phần Tân Thành Long An và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là hợp pháp nên Tân Thành Long An mong muốn được thực hiện dự án và đề nghị HĐXX xem xét gỡ bỏ các lệnh ngăn chặn, phong tỏa.
HĐXX: Về gói trái phiếu của Công ty Cổ phần Bông Sen (doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát) thực hiện như thế nào?
Trả lời HĐXX, vị luật sư cho rằng, gói trái phiếu này trước đây Tập đoàn Novaland đã thỏa thuận hợp đồng với bà Trương Mỹ Lan nhưng các bên chưa thoả thuận được mức giá. Do đó, nếu bà Trương Mỹ lan cử 1 người đại diện hợp pháp làm việc với Công ty Tân Thành Long An để chốt lại các khoản nghĩa vụ tài chính thì lúc đó phía công ty sẽ hoàn trả tiền để bà Lan khắc phục hậu quả của vụ án.
Sau phần trình bày của luật sư, HĐXX cho bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày quan điểm liên quan đến dự án này.
Bà Lan cho rằng, phía Tân Thành Long An đang giữ 2.500 tỷ đồng là tiền nghĩa vụ còn tồn đọng cần phải thực hiện. Do đó, Trương Mỹ Lan đề HĐXX thu hồi số tiền này để sử dụng khắc phục hậu quả vụ án.
Theo tìm hiểu, lô trái phiếu có mã BSECH2126003 được Công ty Bông Sen phát hành từ tháng 10/2021 do Công ty cổ phần Chứng khoán Tân việt (TVSI) thu xếp, với tổng giá trị dư nợ 4.800 tỷ đồng, lãi suất 10,5%/năm và có hạn trả lãi định kỳ 3 tháng/lần.
Toàn bộ số tiền trên được Công ty góp vào hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Vina Alliance cho Dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại - dịch vụ và căn hộ tại số 152 - Trần Phú, Quận 5. Khu đất này được cấp cho Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba).
Liên quan đến nghĩa vụ với lô trái phiếu này, Công ty cổ phần Bông Sen đã đưa các tài sản để đảm bảo, gồm: Phần góp vốn 30% của bà Trần Thi Phơ tại Công ty TNHH Bất động sản Trí Đức; 63,4 triệu cổ phần Công ty Daeha thuộc sở hữu của Công ty Hợp thành 1; các hồ sơ thế chấp một loạt tài sản là bất động sản tại trung tâm TP.HCM như: 55-56 Nguyễn Huệ - Khách sạn Palace; 61 - 63 Hai Bà Trưng - Khách sạn Bông Sen 2; số 5 Nguyễn Thiệp, số 24/24, Đông Du, số 93-95-97 Đồng Khởi, Quận 1.
Ngày 16/8/2015, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã chấp thuận cho Vinataba đăng ký biến động đất đai, đem khu đất trên góp vốn vào Vina Alliance.
Đến cuối năm 2015, Vinataba thoái toàn bộ vốn, sau đó khu đất này tiếp tục được “sang tay” doanh nghiệp khác, trong đó có Công ty TNHH Bất động sản Trí Đức, do bà Trần Thị Phơ là người nắm 30% cổ phần. Số cổ phần này được sử dụng để làm tài sản thế chấp tại Ngân hàng SCB để phát hành lô trái phiếu vào tháng 10/2021 của Công ty cổ phần Bông Sen.
Sau đó, Thanh tra Chính phủ đã "tuýt còi" những sai phạm liên quan đến dự án này.
Ngày 25/10/2023, Phó Chủ tịch UNBD TP.HCM Bùi Văn Cường ký ban hành quyết định thu hồi khu đất trên, trong đó xác định hành vi cố ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Vinataba (mà Sở Tài Nguyên và Môi trường đã chấp thuận), là vi phạm pháp luật theo điểm d, khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai năm 2013 (về đất không được chuyển nhượng, tặng cho).
Đến 5/3/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của Công ty TNHH Vina Alliance, do hết thời hạn điều chỉnh địa điểm thực hiện dự án theo yêu cầu của UBND TP.HCM, nên hiện nay UBND Quận 5 không xác định được đối tượng bàn giao khu đất.
Trong khi đó, Vinataba lại cho rằng, đơn vị này hiện không còn quản lý, sử dụng khu đất trên nên không thể bàn giao, bởi trước đó, Vinataba đã hoàn tất việc thoái toàn bộ vốn tại Vina Alliance sau khi chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp cho Công ty TNHH Sơn Đông theo Hợp đồng chuyển nhượng vốn ngày 13/6/2017.
Theo cơ quan tố tụng xác định, Công ty Bất động sản Trí Đức và Công ty cổ phần Bông Sen có liên quan đến vụ án trái phiếu của tập đoàn Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 đang đưa ra xét xử.
Còn Vinataba được xác định là đã hoàn tất góp và thoái toàn bộ vốn trước thời điểm trái phiếu được phát hành khá lâu, cũng như đã nhận đầy đủ số tiền theo thỏa thuận với các cổ đông sáng lập khác là Pacific Alliance và Sơn Đông.
Trong khi đó, trách nhiệm trong việc làm thất thoát tài sản nhà nước của các cá nhân, tập thể tại Vinataba cũng chưa được làm rõ, xử lý và công khai sau hơn 2 năm xác định có sai phạm.
Ngoài kiến nghị thu hồi đất và xử lý trách nhiệm của những cá nhân liên quan, Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ, nếu đến 31/12/2023 chưa thực hiện được việc thu hồi thì chuyển cơ quan điều tra Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Phía Công ty Bông Sen cho rằng, việc thu hồi khu đất 152 Trần Phú sẽ ảnh hưởng tới việc khắc phục hậu quả cho nhà đầu tư, do 4.800 tỷ huy động từ việc bán lô trái phiếu của công ty này không được sử dụng đúng mục đích và liên quan tới vụ án Vạn Thịnh Phát.
Bình luận