• Zalo

Em họ hối hận khi giúp Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 26.000 tỷ đồng

Pháp đìnhThứ Ba, 08/10/2024 11:00:09 +07:00Google News
(VTC News) -

Luật sư bào chữa cho Trương Vincent Kinh - em họ Trương Mỹ Lan cho rằng, bị cáo ăn năn, hối hận vì đã ký hồ sơ để bà Lan chiếm đoạt hơn 26.000 tỷ đồng.

Sáng 8/10, phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 tiếp tục với phần tranh luận.

Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Vincent Kinh (Chủ tịch HĐQT Công ty SPG và Công ty Sunny World - thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) - em họ Trương Mỹ Lan - cho rằng, thân chủ của mình tin tưởng tuyệt đối vào chị họ nên đã ký các hợp đồng, hồ sơ, thủ tục để Công ty An Đông phát hành trái phiếu.

Thời điểm ký văn bản, bị cáo không có ý thức và không có suy nghĩ sẽ giúp cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tài sản của các trái chủ”, luật sư trình bày.

Theo vị luật sư, trong phần luận tội, vị đại diện VKS đã nêu các tình tiết giảm nhẹ, luật sư đồng ý với VKS. 

Bị cáo Trương Vincent Kinh tại phiên tòa. (Ảnh: Hoàng Thọ)

 Bị cáo Trương Vincent Kinh tại phiên tòa. (Ảnh: Hoàng Thọ)

Luật sư bào chữa cũng cho rằng, ngoài các tình tiết giảm nhẹ mà vị đại diện VKS nêu, bị cáo Trương Vincent Kinh còn có tình tiết giảm nhẹ là có 3 con nhỏ, vợ không có công ăn việc làm và chính quyền địa phương đã có giấy xác nhận. Bên cạnh đó, bị cáo tích cực khai báo với cơ quan chức năng, gia đình thông qua điều tra viên đã nộp tiền khắc phục hậu quả.

Tự bào chữa, bị cáo Trương Vincent Kinh cho rằng, sau khi được Cơ quan điều tra giải thích về hành vi sai phạm, bị cáo đã ăn năn, hối hận và xin lỗi các trái chủ và gia đình trái chủ. Bị cáo cũng hối hận đã ký những văn bản.

Theo hồ sơ vụ án, Trương Vincent Kinh là em họ Trương Mỹ Lan, đến Việt Nam từ năm 2010. Ông này được bà Lan sắp xếp, giao làm Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật, sau đó là Chủ tịch HĐQT, Kiêm Tổng Giám đốc Công ty SPG và Công ty Sunny World.

Trương Vincent Kinh chỉ điều hành chuyên môn về lĩnh vực phát triển dự án bất động sản, xúc tiến đầu tư, đối ngoại. Toàn bộ mảng tài chính và nguồn tài chính duy trì hoạt động của công ty do Trương Mỹ Lan quyết định, điều hành.

Trong việc phát hành trái phiếu khống, thực hiện chủ trương của Trương Mỹ Lan, Trương Vincent Kinh đã ký hợp thức các hồ sơ, thủ tục để Công ty An Đông phát hành trái phiếu, hiện dư nợ hơn 24.900 tỷ đồng, gồm: Hợp đồng hợp tác đầu tư giữa Công ty An Đông và Công ty SPG về việc đầu tư Dự án Khu Công viên Mũi Đèn Đỏ;

5 hợp đồng hợp tác vay tiền, về việc Công ty An Đông cho Công ty SPG vay tổng cộng 29.206 tỷ đồng và 157 Ủy nhiệm chi chuyển tiền từ tài khoản Công ty SPG đến các cá nhân được thuê khống chứng từ.

Dù biết Công ty Sunny World không có nhu cầu huy động tiền, Trương Vincent Kinh vẫn ký các hồ sơ, chứng từ để phát hành trái phiếu 2.400 tỷ đồng, hiện còn dư nợ hơn 1.600 tỷ đồng.

Hành vi của Trương Vincent Kinh đã phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm, giúp sức Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 26.581 tỷ đồng.

Đề nghị tuyên mức án bằng thời gian ngồi tù 

Tại phiên toà, luật sư bào chữa cho bị cáo Kwok Hakman Oliver (Tổng giám đốc Công ty An Đông) cho rằng, bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng, tuy nhiên với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo chỉ là đồng phạm giúp sức thứ yếu, phụ thuộc.

Theo luật sư, bị cáo không nhận chỉ đạo trực tiếp từ bị cáo Trương Mỹ Lan mà biết chủ trương phát hành trái phiếu qua bị cáo Ngô Thanh Nhã (Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Chủ tịch Công ty An Đông - em dâu Trương Mỹ Lan).

Mặc dù là Tổng giám đốc Công ty An Đông nhưng bị cáo chỉ là người lệ thuộc, làm công hưởng lương với chức năng, nhiệm vụ chính điều hành hoạt động khách sạn và Trung tâm thương mại An Đông. Kwok Hakman Oliver không điều hành, quyết định các vấn đề tài chính của Công ty An Đông mà chủ yếu do Nguyễn Hữu Hiệu - Phó tổng giám đốc tài chính thực hiện.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa.

 Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa.

Bị cáo chỉ duy nhất giúp sức cho Trương Mỹ Lan là ký các hồ sơ thủ tục hợp thức hóa phát hành trái phiếu của Công ty An Đông. Hành vi giúp sức chỉ giới hạn trong chuỗi hành vi cấu thành tội lừa dảo, chỉ dừng lại việc phát hành trái phiếu của Công ty An Đông.

Cũng theo luật sư, bị cáo bị hạn chế về pháp luật Việt Nam nên không nhận thức đầy đủ hành vi của mình, để giúp sức cho các bị cáo khác.

Luật sư cũng trình bày các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo nên đề nghị HĐXX xem xét tuyên bị cáo mức án bằng thời gian đã ngồi tù (2 năm) để hưởng khoan hồng của pháp luật.

Tự bào chữa, bị cáo Kwok Hakman Oliver đồng ý phần trình bày bào chữa của các luật sư và xin hưởng khoan hồng của pháp luật.

Theo hồ sơ vụ án, Kwok Hakman Oliver là em rể của Ngô Thanh Nhã (em dâu của Trương Mỹ Lan) và có mối quan hệ quen biết với bà Lan từ lâu. Năm 2015, Trương Mỹ Lan sắp xếp cho Kwok Hakman Oliver giữ vị trí Tổng giám đốc Công ty An Đông, năm 2019 giữ vị trí Ủy viên HĐQT Công ty Sài Gòn Peninsula.

Tuy nhiên, Kwok Hakman Oliver không điều hành, quyết định các vấn đề tài chính của Công ty An Đông mà chủ yếu do Nguyễn Hữu Hiệu thực hiện.

Khoảng tháng 8/2018, trong một cuộc họp tại phòng làm việc của bà Ngô Thanh Nhã, ở lầu 6 Tòa nhà Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bà Nhã thông báo chủ trương chọn Công ty An Đông phát hành trái phiếu. Ông Kwok Hakman Oliver đã ký các hợp đồng hợp tác đầu tư dự án Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và Khu nhà ở đô thị phường Phú Thuận, Quận 7, ký hợp đồng mua trái phiếu sơ cấp, hợp đồng vay vốn và chuyển tiền để tạo lập trái phiếu khống.

Hành vi của Kwok Hakman Oliver bị cáo buộc đã phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tài sản với số tiền 24.969 tỷ đồng.

Bình luận
vtcnews.vn