Khoảng tháng 7 năm 2015, người bạn cùng lớp cấp 3 và cũng là hàng xóm của tôi đề nghị vay nóng 120 triệu đồng để giải quyết sự cố trong việc làm ăn. Cậu ấy nói chỉ cần đủ tiền là việc sẽ xử lý xong và sau 1 tuần sẽ trả lại tôi. Chúng tôi không quá thân nhưng thường xuyên đi lại, tụ tập, số tiền đó tôi đang sẵn, thời gian vay cũng ngắn nên tôi đồng ý.
Phải đến nửa tháng sau tôi mới dám hỏi, cậu ấy xin lỗi vì chưa có trả ngay, nhưng việc cũng sắp ổn và bảo hết tháng sẽ đưa tiền cho tôi. Nhưng hơn 1 tháng, tôi phải gọi điện hỏi thì bạn mới nói là chưa có, vài ngày nữa mới thu xếp được. Sau đó, các cuộc điện thoại tôi gọi đến đều không được nghe.
Vì ngại nên phải 1 tháng sau đó nữa, tôi mới đến nhà. Cậu ấy bảo vừa rồi phải nhập số hàng khá lớn nên chưa có trả tôi. Hôm đó tôi khá gay gắt, bạn cũng xin lỗi rất thành khẩn, rồi đề nghị cho khất thêm 3 tháng nữa, trong 3 tháng đó sẽ gửi tôi tiền lãi bằng lãi gửi tiết kiệm. Biết có cố đòi cũng chưa được, tôi đành đồng ý.
Nhưng tôi chỉ nhận được tiền lãi đúng 1 tháng, rồi sau đó mất hút. Mỗi lần hỏi, cậu ấy đều viện lý do khi thì bố vợ mới bị tai nạn, khi vợ ốm con đau, lúc lại bị ai đó vay mất, hoặc vừa phải “làm luật” để kinh doanh suôn sẻ… Thật ra vì ngại nên lâu lâu tôi mới hỏi, mà cũng phải gọi điện, nhắn tin, nhắn facebook nhiều lần mới được trả lời.
Cứ thế, lâu dần tôi đâm chán, chả buồn đòi nữa. Nhiều lần gặp nhau trong ngõ, hai bên cũng chào nhau bình thường, thậm chí nói chuyện tầm phào đôi câu mà không nhắc đến món nợ. Mãi gần đây, tình hình tài chính khó khăn, tôi mới quyết tâm đòi tiền. Để khỏi bị trốn tránh, tôi không gọi hay nhắn trước mà sang luôn nhà.
Cậu ấy lại khất, bảo khó khăn do dịch COVID-19. Tôi nói thẳng là tôi cũng khó, bạn khó là việc của bạn phải tự giải quyết, tôi giúp chừng đó năm là quá nhiều rồi. Tất cả lãi này nọ tôi không cần, hãy trả tôi số tiền gốc, và trả ngay trong vòng 1 tuần, nếu không tôi sẽ có biện pháp cứng rắn. Tôi cũng bảo, bạn sắm được xe mới, vợ bạn đeo đầy vòng vàng, nếu không có tiền thì bán đồ trả cho tôi.
Hôm đó tôi về chỉ nhận được lời hứa cố gắng thu xếp. Về sau, tôi có gọi điện nhắn tin nhưng cậu ta không trả lời, đến nhà thì tránh mặt. Tôi biết chắc cậu ta có nhà mới qua nhưng 2 đứa trẻ con vẫn nói là bố đi vắng. Có hôm tôi xông vào tận phòng lôi ra, cậu ấy cau có mắng tôi bất lịch sự, đột nhập trái phép các kiểu, rồi dạy cho tôi một tràng về cách cư xử trước mặt trẻ con… Đến khi tôi ngắt lời và đòi tiền thì cậu ấy bảo chưa có trả. Tôi hỏi bao giờ có thì bảo không biết.
Những lần khác cũng vậy. Nếu không trốn được, phải đối mặt với tôi, người bạn đó lại chơi bài lì, bài cùn. Tôi hết cứng lại mềm, bảo tôi cũng khó khăn, trước đây tôi giúp cậu ấy thì giờ hãy giúp tôi, trả nợ cho tôi, cảnh nhà cậu ấy không phải là không xoay được số tiền đó. Thế nhưng cậu ấy bảo là mình cũng hết cách rồi.
Chẳng những không trả, lần nào gặp tôi cậu ấy cũng tỏ thái độ như bị quấy rối làm phiền, rất cau có nhấm nhẳng, bảo tôi quá đáng chỉ biết đến đồng tiền, không tôn trọng bạn bè, không biết thông cảm và giữ thể diện cho bạn. Vợ cậu ấy còn dựng chuyện nói xấu tôi khắp khu phố. Tôi từ chỗ là người làm ơn trở thành người chạy theo van nài cậu ấy trả nợ, không khác ăn xin.
Hôm qua tức quá, tôi ra tối hậu thư, nếu trong 5 ngày không trả tôi sẽ có biện pháp mạnh. Cậu ấy bảo có giết cậu ấy cũng không có tiền bây giờ, tôi thích thì cứ gọi xã hội đen đến chặt chân tay cậu ấy đi.
Tôi thật sự rất nản, chỉ muốn bỏ luôn 120 triệu đồng này cho nhẹ đầu, nhưng nghĩ đến cách cư xử của người bạn bạc bẽo quá đáng đó thì lại muốn đòi bằng được. Nhưng tôi không nghĩ ra cách nào cả. Kiện ra tòa thì thủ tục chắc sẽ lằng nhằng mệt mỏi kéo dài, mà thuê xã hội đen gì đó thì không bao giờ tôi dám. Cậu ấy biết thừa như vậy nên mới thách thức và mặc kệ.
Các bạn có cách nào khả thi không, xin mách tôi với.
(Bài viết đã được toà soạn biên tập cho phù hợp với văn phong báo chí)
Độc giả có lời khuyên, xin chia sẻ ở box bình luận bên dưới.
Nếu bạn có những khúc mắc trong cuộc sống, xin đừng ngần ngại gửi cho chúng tôi để nhận được sự sẻ chia chân thành và lời khuyên nghiêm túc của độc giả. Ý kiến xin gửi đến [email protected].
Bình luận