Trung Quốc hai lần công bố đường cơ sở lãnh hải đều trái với quy định của luật quốc tế, điều này đã bị các học giả trong nước Trung Quốc nhắc nhở. Tại Nam Hải (Biển Đông), Trung Quốc bất chấp tinh thần cơ bản của văn bản UNCLOS, đưa ra chủ trương về “Đường 9 đoạn” trái với quy định của UNCLOS.
Mặc dù tồn tại bất đồng nghiêm trọng với các nước khác về chủ quyền các đảo, đá trên Biển Đông, nhưng chủ trương của Trung Quốc về địa vị pháp luật và phạm vi quản hạt của các đảo đá nằm cách rất xa bờ biển nước mình lại luôn mơ hồ, người ta thường bị mê hoặc không hiểu về khái niệm “Các đảo Nam Hải (Biển Đông) và vùng biển phụ cận” mà các quan chức ngoại giao và truyền thông Trung Quốc đưa ra.
Trung Quốc không nên nói một đằng, làm một nẻo
Lý Lệnh Hoa bác bỏ luận điệu ngang ngược, vô trách nhiệm “phán quyết PCA chỉ là mớ giấy lộn” của Đới Bỉnh Quốc. Ông viết: Đối với Trung Quốc, hiểu toàn diện và chấp hành tinh thần cùng các điều khoản của UNCLOS là rất cần thiết. Khi đã ký vào UNCLOS, Trung Quốc cần phải hành xử theo tinh thần và điều khoản của nó.
Trung Quốc cần phải gây chữ Tín với thế giới, không nên nói một đằng, làm một nẻo. Việc phân định ranh giới Biển Đông phải đồng bộ với quốc tế, phải vạch ra biên giới của Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) và thềm lục địa. Chỉ có như vậy, Biển Đông mới có thể thực sự trở thành vùng biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị.
“Là người từng là đại sứ ở nước ngoài, người nghiên cứu vấn đề quốc tế, nhưng Tô Cách thiếu hiểu biết cùng nhận thức về điều khoản của UNCLOS và thực tiễn phân định ranh giới biển của Trung Quốc, nói bừa về vấn đề Biển Đông”
Học giả Lý Lệnh Hoa
Trước đó, ngày 19/7, ông Lý Lệnh Hoa đã viết bài “Xin nhắc nhở Viện nghiên cứu vấn đề quốc tế Trung Quốc”, phê phán bài viết nhan đề “Trung Quốc mới là người tuân thủ pháp luật ở Nam Hải” của Tô Cách, Viện trưởng viện này đăng trên “Thời báo Hoàn cầu” ngày 19/7. Trong bài viết, Tô Cách cho rằng: “Phán quyết PCA bất chấp thực tế, đổi trắng thay đen, chủ quan cắt rời sự liền mạch giữa lịch sử và địa lý; cố ý “đoạn chương tầm nghĩa” UNCLOS, dẫn tới phán quyết thiếu tính hợp pháp và tính công minh. Trung Quốc phản đối PCA vì họ thụ lý vụ kiện này là phi pháp và vô hiệu”.
Tô Cách đưa ra 4 luận điểm trong đó, ông ta lập luận nhập nhèm: tranh chấp Trung Quốc – Philippines là về chủ quyền lãnh thổ và phân định ranh giới biển. Philippines muốn sử dụng UNCLOS để giải quyết là lạm dụng cơ chế giải quyết tranh chấp. Tô Cách khẳng định: “Trung Quốc mới là người tuân thủ UNCLOS”.
Hai ông viện trưởng nói bừa
Học giả Lý Lệnh Hoa chỉ rõ, nội dung bài viết của Tô Cách giống hệt bài viết của Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng nghiên cứu Hải dương Trung Quốc. Ông cho rằng: “Cả 2 ông viện trưởng đều thiếu sự hiểu biết toàn diện về tinh thần và điều lệ của UNCLOS mà chính phủ Trung Quốc đã ký kết, thiếu sự nhận thức chính xác về nhất thể hóa kinh tế toàn cầu và vận mệnh chung của nhân loại hiện nay.
Nếu là những người chịu khó nghiên cứu UNCLOS, họ ắt thấy rằng phán quyết của Tòa thường trực trọng tài Quốc tế (PCA) không mâu thuẫn và xung đột với điều văn của UNCLOS, mà tương thông, liền mạch với nhau về nội dung. Hơn nữa, phán quyết PCA đã làm rõ hơn các chi tiết của UNCLOS, nhất là thống nhất và quy phạm về địa vị pháp luật của các cấu trúc đảo, đá, bãi ngầm… ở cách xa bờ, có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình phân định ranh giới biển không chỉ trên Biển Đông mà cả Hoa Đông…”.
Ông Lý Lệnh Hoa nghiêm khắc phê phán: “Là người từng là đại sứ ở nước ngoài, người nghiên cứu vấn đề quốc tế, nhưng Tô Cách thiếu hiểu biết cùng nhận thức về điều khoản của UNCLOS và thực tiễn phân định ranh giới biển của Trung Quốc, nói bừa về vấn đề Biển Đông.
Sau khi ký UNCLOS, hơn 30 năm qua trong xử lý vấn đề Biển Đông, Trung Quốc luôn không chịu đàm phán với các nước cùng có yêu sách ở Biển Đông về EEZ và thềm lục địa theo quy định tại các điều 74 và 83 của UNCLOS, sống chết bám lấy cái gọi là “Đường 9 đoạn có tính lịch sử” chiếm tuyệt đại đa số diện tích Biển Đông và chồng lấn với chủ trương của các nước xung quanh Biển Đông…”
Ông Lý Lệnh Hoa cho rằng: “Căn cứ chủ yếu của việc phân định ranh giới biển là cấu hình và độ dài bờ biển, biên giới phải được xác định rõ vị trí kinh, vĩ độ chính xác.
Các nhân vật quan chức nổi tiếng và “chuyên gia học giả” Trung Quốc cứ luôn miệng rêu rao không ngừng về cái “Đường 9 đoạn” mơ hồ là hoàn toàn không cần thiết. Cục diện căng thẳng ở Biển Đông gắn liền với làn sóng chủ nghĩa dân tộc cực đoan dâng cao ở trong nước và cũng liên quan đến sự mập mờ của các vị…”.
Video: Phản ứng của dư luận quốc tế sau phán quyết của PCA về Biển Đông (Nguồn: VTC14)
Bình luận