Chủ đề Biển Đông trở thành một vấn đề nóng tại hội nghị Shangri-La 2018, một diễn đàn quy tụ hàng loạt các quan chức quốc phòng, an ninh hàng đầu thế giới. Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis buộc tội Trung Quốc về “sự hăm dọa và ép buộc” tại khu vực Biển Đông.
Sau tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nhiều quốc gia khác trong đó có Anh và Pháp cũng lên tiếng phản đối Trung Quốc đẩy mạnh hành vi quân sự hóa tại các cấu trúc xây dựng trái phép ở Biển Đông, đe dọa an ninh hàng hải và gây căng thẳng cho khu vực.
Trưởng phái đoàn Trung Quốc tham gia Shangri-La, Trung tướng Hà Lôi – Phó Chủ tich Học viện Khoa học quân sự Quân đội Nhân dân Trung Quốc, phát biểu tại hội nghị lên tiếng chỉ trích Mỹ khi rút lại lời mời nước này tham dự chuỗi tập trận hải quân quốc tế RIMPAC dự kiến diễn ra trong tháng 6.
Ông tuyên bố “mọi bình luận vô trách nhiệm từ các nước khác nhằm vào Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông là không thể chấp nhận.”
Nói về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, ông Hà Lôi ngang nhiên nhận định: “Mục đích của chúng tôi là để tránh sự xâm lược từ nước khác. Chỉ cần đó là lãnh thổ của các bạn thì các bạn có thể triển khai quân đội và vũ khí.”
Ngoài ra, tại cuộc thảo luận với tên gọi “Tình trạng chiến lược về phát triển khả năng quân sự ở Châu Á – Thái Bình Dương” thuộc khuôn khổ hội nghị, tướng Trung Quốc cũng lên tiếng biện minh cho hành động ở Biển Đông của Bắc Kinh.
Ông Hà Lôi ngang nhiên cho rằng Bắc Kinh chỉ đang hành động để bảo vệ chủ quyền. Bình luận về việc Trung Quốc triển khai tên lửa trên các đảo này, ông nói: “Tất cả các đảo là một phần của lãnh thổ Trung Quốc và chúng tôi có bằng chứng lịch sử được luật quốc tế công nhận. Chúng tôi không phủ nhận rằng có các binh sỹ và vũ khí được triển khai ở đó. Tất cả các vũ khí được triển khai vì mục đích tăng cường an ninh và tự vệ”.
Những phát ngôn ngông cuồng này của phái đoàn Trung Quốc tại hội nghị đều nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia, bởi khi có thông tin cử phái đoàn ''nhẹ ký'' tham gia Shangri-La 2018, mọi bình luận đều cho rằng Bắc Kinh sẽ dịu giọng và không muốn tranh luận tại diễn đàn, theo Straits Times.
Từ 9 đến 12/5, Trung Quốc tiếp tục tiến hành các cuộc diễn tập bắn đạn thật ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo này. Trước động thái của Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối gay gắt.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam bà Lê Thị thu Hằng tuyên bố: ''Hành động này đi ngược lại thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, vi phạm tinh thần tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông".
"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt và không để tái diễn hành động tương tự, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tôn trọng nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao 2 nước cũng như luật pháp quốc tế, không có hoạt động gây ra căng thẳng làm phức tạp tình hình ở khu vực", bà Hằng nói thêm.
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hành vi của quốc gia khác tại hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là hành vi xâm chiếm trái phép và vi phạm luật pháp quốc tế.
Video: Mỹ chỉ trích Trung Quốc cất - hạ cánh máy bay tại Hoàng Sa
Bình luận