Thủ tướng yêu cầu các Bộ vào cuộc 'giải cứu' ngành đường sắt

Đầu TưThứ Ba, 25/02/2020 12:16:17 +07:00
(VTC News) -

Trước những khó khăn của ngành đường sắt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính cùng các Bộ, ngành liên quan thống nhất, có giải pháp tháo gỡ vướng mắc về kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 24/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo vấn đề giao ngân sách nhà nước thực hiện việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Đây là nhiệm vụ được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện từ trước đến nay.

Tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh an ninh an toàn đường sắt là vấn đề rất quan trọng, liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Ngành đường sắt có nhiều đặc thù, chịu sự chi phối của nhiều luật như Luật Ngân sách, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Đường sắt; có hệ thống đường ngang, lối đi tự mở qua đường sắt phức tạp.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ vào cuộc 'giải cứu' ngành đường sắt  - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các Bộ, ngành vào cuộc để tháo gỡ khó khăn của ngành đường sắt. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành liên quan thống nhất có giải pháp khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, không được để ảnh hưởng đến đời sống người lao động;

Bên cạnh đó, phải bảo đảm thực hiện đúng, tuân thủ quy định pháp luật, trường hợp cần thiết, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mới đây, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thông tin: nếu đến tháng 3/2020, việc giao dự toán ngân sách chưa được thực hiện, hoạt động chạy tàu trên toàn quốc có thể phải tạm dừng vì không có tiền trả lương cho nhân viên tuần đường, gác chắn... 

Cũng theo ông Vũ Anh Minh, VNR đang phải nợ lương của hơn 11.000 nhân viên ngành đường sắt. Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đưa ra cảnh báo về việc có thể phải dừng hoạt động chạy tàu trên toàn quốc do những bất cập trong vấn đề giao dự toán ngân sách cho ngành hiện nay.

Nêu giải pháp tháo gỡ khó khăn này, ông Vũ Anh Minh kiến nghị cấp trên sớm giao gói 7.000 tỷ đồng cho VNR để hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp các dự án cấp bách của ngành…

4 dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM có tổng nguồn vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 556/NQ-UBTVQH13 ngày 31/7/2018 về phương án sử dụng 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn