• Zalo

Tháng 3, nguy cơ dừng hoạt động tàu đường sắt trên toàn quốc

Đầu TưThứ Năm, 20/02/2020 15:53:49 +07:00Google News
(VTC News) -

"Nếu đến tháng 3 tới mà ngành đường sắt không giải quyết tiền lương cho 1,1 vạn tuần đường, gác chắn thì có thể phải dừng hoạt động chạy tàu trên toàn quốc", ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết.

Sáng nay, 20/2, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước (QLVNN) tại doanh nghiệp. Tại đây, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thẳng thắn chia sẻ những bất cập trong các hoạt động của đơn vị.

Tháng 3, nguy cơ dừng hoạt động tàu đường sắt trên toàn quốc - 1

Ngành đường sắt đang vướng khó khăn trong cơ chế trả lương cán bộ, nhân viên. (Ảnh: Đ.B)

Phân tích về các khó khăn, ông Minh cho hay, vướng mắc không phải do Uỷ ban QLVNN mà do cơ chế chính sách khi thay đổi người đại diện về quản lý vốn. Bộ GTVT có 3 văn bản liên tiếp gửi đến Thủ tướng; Tổng Công ty cũng đã báo cáo lên Bộ GTVT, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước, thậm chí báo cáo “vượt cấp” lên cả Thủ tướng, Thường trực Chính phủ và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được.

Về vấn đề giao dự toán ngân sách, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, theo quy định, trước 31/12, bộ GTVT giao dự toán ngân sách để thực hiện công tác bảo trì để thực hiện các nhiệm vụ như tuần đường, gác chắn, bảo đảm an toàn giao thông và các nhiệm vụ khác. Căn cứ vào đó, Tổng công ty sẽ ký hợp đồng đặt hàng công ích với các đơn vị trong ngành với tổng số nhân lực, lao động trong khối hạ tầng là hơn 11 nghìn người.

Tuy nhiên, tính đến nay, Tổng công ty vẫn chưa nhận được dự toán, điều này khiến cho trên 1,1 vạn người không có tiền lương. "Tổng công ty chỉ còn cách dừng hoạt động chạy tàu", ông Vũ Anh Minh nhấn mạnh.

Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam viện dẫn Điều 49 Luật Ngân sách Nhà nước quy định: Khi cơ quan nhận được ngân sách thì giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc. Trong khi Tổng công ty đường sắt không thuộc đơn vị trực thuộc của Bộ GTVT.

Video: Đường sắt cao tốc Bắc Nam: Quá nhiều mối lo. (Nguồn: VTC Now)

 

 

Ông Vũ Anh Minh cho rằng, Quốc hội đã ra nghị quyết 87, trong đó nêu rõ tiếp tục cơ chế giao vốn bảo trì đường sắt cho Bộ GTVT. Tuy nhiên, Bộ GTVT giải thích “không có câu là giao cho Tổng công ty Đường sắt. Trong khi quan điểm khác lại cho rằng “tiếp tục” là tiếp tục giao cho Tổng công ty Đường sắt. “Chúng tôi không thể đánh giá quan điểm nào là đúng, vì bây giờ nhiều người sợ sai lắm. Đến giờ, trên 1 vạn người không có lương. Các đơn vị thì không có tiền để chi trả nên Tổng công ty phải ứng, song tôi ứng như vậy là tôi đang làm sai và phải đối diện với nhiều rủi ro”, ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, việc tạm chi trả tiền để duy trì hoạt động này chỉ là tạm thời, không thể duy trì mãi được. Nếu đến tháng 3 tới mà không giải quyết thì có thể phải dừng hoạt động chạy tàu trên toàn quốc, vì không có ai làm tuần đường, gác chắn. Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẳng định, đây là vấn đề rất cấp bách. "Nhiều người cho là lỗi ở cơ chế chính sách, song tôi cho rằng, cơ chế không sinh ra con người, con người xây dựng cơ chế chính sách. Vì thế, tôi đề nghị cần khẩn cấp có cơ chế giải quyết, nếu không sẽ phải dừng hoạt động chạy tàu”, ông Minh chỉ rõ.

Trước các phản ánh của lãnh đạo ngành đường sắt, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục yêu cầu Tổng công ty Đường sắt trong mọi tình huống phải bảo đảm an toàn và để hoạt động chạy tàu thông suốt. Ông Lục cũng lưu ý cần phải đẩy nhanh kế hoạch giao vốn cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Ông Lục cũng cho biết, Thủ tướng cũng đã có văn bản yêu cầu nghiên cứu, xem lại cơ quan quản lý đối với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nếu cần thiết, đơn vi này có thể quay trở lại Bộ GTVT.

Linh Phi
Bình luận
vtcnews.vn