(VTC News) – Liên quan tới những diễn biến bất thường của thời tiết trong thời gian gần đây, phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hòa – Phó trưởng phòng Dự báo khí tượng Hạn vừa – Hạn dài của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương.
Tại Việt Nam, đầu năm nay, không khí lạnh và ẩm không chỉ kéo dài ở miền Bắc mà lan rộng vào miền Trung, cực Nam Trung bộ và cả Nam bộ. Hàng trăm năm qua, chưa bao giờ vào giữa tháng 3 Âm lịch, miền Nam Trung bộ, Vũng Tàu, TP HCM phải đón cơn bão số 1 mạnh, đi nhanh với vùng ảnh hưởng lớn như năm nay.
Sau đó là nắng nóng lịch sử, tuyết rơi vào mùa khô ở Sa Pa, mưa đá dị thường ở miền Bắc, miền Trung; triều cường, mưa lớn kéo dài gây ngập úng ở Nam bộ...Ngay từ đầu mùa đông năm nay, miền Bắc đã phải đón những đợt rét đậm kéo dài, kèm theo đó là những trận mưa lớn, gió mùa đông bắc tràn về khắp Bắc Bộ.
- Đó có phải là những hiện tượng “bất thường” của thời tiết?
Ông Nguyễn Đức Hòa |
So với những năm gần đây, thời tiết trong năm 2012 không có gì khác cả, nhưng cũng có nhiều biến động.
Thực ra tại miền Bắc nước ta, trong đợt gió mùa đông bắc vừa rồi chưa phải là rét đậm. Trời mới chỉ rét thôi chứ rét đậm thì nhiệt độ trung bình trong ngày phải xuống dưới 15 độ C cơ và rét hại thì nhiệt độ trung bình ngày sẽ xuống dưới 13 độ C.
Do vậy, những đợt rét vừa qua chưa phải là rét đậm, rét hại. Đó mới chỉ là những đợt rét đầu mùa trong năm nay. Trên thực tế, rét đầu mùa xảy ra vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 thì cũng không có gì là bất thường cả, thậm chí có thể xem là muộn.
- Nguyên nhân dẫn tới những sự biến đổi “bất thường” đó là gì?
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên. Trước tiên phải kể đến những ảnh hưởng từ các hoạt động kinh tế - xã hội, kể cả giao thông. Mỗi hoạt động ở các lĩnh vực trên đều đóng góp vào việc làm biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
- Mùa đông năm nay, miền Bắc có thể xuất hiện nhiều trận mưa tuyết?
Mưa tuyết có thể tái diễn trong mùa đông năm nay |
Ở miền Bắc, không phải năm nào cũng có mưa tuyết. Trước đây, dù chưa có trạm quan trắc, nhưng người dân ở các vùng núi cao, các tỉnh miền núi phía Bắc như Mẫu Sơn (Lạng Sơn) hay Sa Pa (Lào Cai)…đều được chứng kiến mưa tuyết. Đó là chuyện hết sức bình thường.
Mưa tuyết xuất hiện sau nhiều tác động. Phải có đủ độ âm hoặc luồng không khí lạnh cực mạnh thì mới xảy ra mưa tuyết được. Nhiệt độ có thể âm độ, nhưng vẫn không xảy ra mưa tuyết.
- Trong mùa đông năm nay, miền Bắc sẽ đón thêm bao nhiêu đợt rét nữa?
Mọi người cứ quan tâm là sẽ có bao nhiêu đợt rét nữa, nhưng thực ra điều ấy không quan trọng bởi nếu một đợt rét kéo dài 28 – 30 ngày như năm 2008 thì sẽ còn thiệt hại hơn rất nhiều.
Cả mùa đông có thể có nhiều đợt rét, nhưng mỗi đợt rét chỉ kéo dài 2 – 3 ngày thì sẽ không gây ảnh hưởng nhiều lắm tới đời sống của người dân.
Theo dự báo của chúng tôi từ tháng 11 vừa qua tới tháng 4 năm sau, nền nhiệt độ trong các tháng chính đông sẽ phổ biến ở khoảng 16 – 17 độ C. Những đợt rét đậm, rét hại có khả năng sẽ không kéo dài, chỉ từ 4 – 7 ngày thôi.
Tại thời điểm này, Trung tâm khó có thể đưa ra chính xác được sẽ còn bao nhiêu đợt rét. Bởi vì thực tế nếu một đợt kéo dài 31 ngày như mùa Đông - Xuân năm 2010-2011 thì mức độ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp cũng như đến đời sống còn khó khăn hơn nhiều so với có nhiều đợt rét trong thời đoạn ngắn lại xen kẽ giữa những ngày ấm và những ngày rét.
Và cũng theo nhận định của Trung tâm, các đợt rét đậm, rét hại trong mùa Đông - Xuân năm nay không quá kéo dài, trung bình mỗi đợt có khả năng kéo dài 4-7 ngày, nhiệt độ thấp nhất tại Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ có thể dao động ở mức 7-9 độ C.
|
Tuy nhiên, theo nhận định thì mùa đông năm nay khó lặp lại những mốc nhiệt độ thấp nhất và kéo dài của các đợt rét đậm, rét hại của tháng 1 năm 2011 (31 ngày), ví dụ như nhiệt độ thấp nhất tại đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn): -3,6 độ C (ngày 12/1/2011), Sapa: -0,5 độ C (ngày 17/01/2011).
- Tại Hà Nội thời gian vừa qua có xuất hiện nhiều sương mù. Đó là loại sương mù gì và nó có hại hay không?
Sương mù trong những ngày vừa qua thì được gọi là sương mù bình lưu ẩm do có nhiều đới gió Đông Nam từ biển thổi vào và kết hợp với không khí lạnh bốc lên thành sương mù. Loại sương mù này chủ yếu ảnh hưởng ở các tỉnh miền Đông Bắc Bộ, ví dụ như Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, đặc biệt là các tỉnh ven biển.
Sương mù dày đặc như thế đương nhiên sẽ gây ảnh hưởng tới giao thông, đặc biệt giao thông đường biển, đường hàng không. Còn về sức khỏe, những người bị bệnh khớp, các bệnh về đường hô hấp cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Trong năm 2012, tính cả cơn bão Bopha, chúng ta đã phải hứng chịu 9 cơn bão |
Tôi thực sự không thể quên được mùa đông năm 2008 với nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài 28 – 31 ngày. Đó là số liệu kỉ lục trong chuỗi số liệu chúng tôi quan trắc được.
Vào thời điểm đó, nhiệt độ không xuống sâu, nhưng ngày nào nhiệt độ trung bình cũng ở dưới 13 độ C, thậm chí có những ngày chỉ 7 – 8 độ C. Không chỉ thế, sự chênh lệch giữa ngày và đêm cũng chỉ ở mức 1 – 2 độ C.
Trong năm 2012, tính cả cơn bão Bopha, chúng ta đã phải hứng chịu 9 cơn bão. Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là các tỉnh ở Bắc Bộ.
Xin cảm ơn ông!
Minh Quân
Bình luận