• Zalo

10 nét chính họa bức tranh bóng đá thế giới 2011 (P.1)

Thể thaoThứ Sáu, 23/12/2011 06:00:00 +07:00Google News

(VTC News)-Năm 2011 sắp sửa khép lại với rất nhiều câu chuyện vui buồn xung quanh trái bóng tròn...

(VTC News)-2011 sắp sửa khép lại với rất nhiều dư âm buồn vui lẫn lộn xung quanh trái bóng tròn. Hãy cùng VTC News điểm lại những nét phác họa chính trong bức tranh làng túc cầu thế giới 12 tháng qua.
1. Tevez cãi lệnh thay người ở Munich

Vụ lùm xùm đi hay ở của Carlos Tevez tại Man City là một trong những chủ đề gây tranh cãi và kéo dài nhất năm. Đỉnh điểm sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa tiền đạo Argentina và đội bóng thành Manchester là việc cầu thủ này từ chối vào sân trận gặp Bayern Munich tại vòng bảng Champions League cuối tháng 9. HLV Roberto Mancini vô cùng giận dữ và đòi đuổi cổ ngay Tevez khỏi CLB.
 Hết cãi lệnh thay người, Tevez lại ngang nhiên trốn trại về quê ở Argentina... nghỉ cuối tuần.
Hệ quả là The Citizens đã phải tổ chức một phiên điều tra độc lập nhằm làm sáng tỏ Tevez đã nói những gì tại Allianz Arena. Dù số 32 một mực phủ nhận sự việc và kết quả điều tra không được chính thức công bố, lãnh đạo Man City vẫn bày tỏ sự ủng hộ với Mancini. Tevez bị đình chỉ  thi đấu, phạt 2 tuần lương và giáng xuống tập với đội trẻ. Đặc biệt, chân sút này bị tước băng thủ quân, mất suất thường trực trong đội hình và trở thành cái gai trong mắt của đại bộ phận người hâm mộ thành Manchester.

Đến nay, Carlos Tevez vẫn mắc kẹt tại Etihad bởi Man City không muốn bán 'cục nợ' của mình với cái giá dưới 35 triệu bảng.
2. 'Siêu kinh dị' Real Madrid - Barcelona
7 trận cuộc đối đầu trong một năm, chưa bao giờ người hâm mộ khắp hành tinh được dịp thỏa mãn cơn ghiền El Clasico đến thế.
Tuy nhiên, trái với sự mong chờ, sục sôi trước giờ G, các trận đấu được mệnh danh 'siêu kinh điển' đều kết thúc trong sự thất vọng lớn lao.

Điều khiến El Clasico mất giá đầu tiên chính là Barcelona. Sự vượt trội của gã khổng lồ xứ Catalonia (3 thắng, 3 hòa, 1 thua) khiến tính cạnh tranh và sự hấp dẫn trong các cuộc chạm trán giảm hẳn. Đội quân dưới trướng Pep Guardiola đang ở trong giai đoạn cực thịnh và không có đội bóng nào, kể cả Real, đủ sức chơi đôi công sòng phẳng với họ.

7 thẻ đỏ, 47 thẻ vàng đã được rút ra trong các trận El Clasico 12 tháng qua. Bạo lực và ngã vờ là nét khắc họa chính bức tranh 'siêu kinh dị' năm 2011.

Điều thứ hai gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh thể thao nói chung và bóng đá nói riêng: El Clasico tràn ngập bạo lực, thẻ phạt, những pha đóng kịch, ngã vờ. Đặc biệt là trong các trận lượt đi bán kết Champions League hồi tháng 4 - hai thẻ đỏ cho Pepe, Pinto rồi pha chọc mắt trợ lý Barca của Mourinho - hay trận lượt về siêu cúp TBN - trọng tài Borbalan phải rút 3 thẻ đỏ trong 4 phút bù giờ để hạ nhiệt những cái đầu nóng của Marcelo, Ozil, Villa.
Sau một năm đại chiến ồn ào, cả Real MadridBarcelona đều ít nhiều đánh mất hình ảnh của mình trong mắt người hâm mộ. Chính những hành động phản cảm của họ trên sân cỏ đã gián tiếp kích động, lôi kéo bộ phận crazy fan lao vào những cuộc cãi vã, tranh luận triền miên trên khắp diễn đàn bóng đá.

3. MU bị loại khỏi vòng bảng Champions League

Trong năm đặc biệt đánh dấu 'đám cưới bạc' của Sir Alex với MU, 'Bầy Quỷ đỏ' lại gây ra nỗi thất vọng tràn trề. Lần thứ hai trong lịch sử 25 năm dưới triều đại Alex Ferguson, MU lại bị loại khỏi vòng bảng Champions League.

Ngoài bi kịch Champions League, MU còn bị kình địch cùng thành phố Man City 'hạ sát' ngay tại Old Trafford.

Dù nằm trong một bảng đấu khá nhẹ ký (cùng bảng Benfica, Basel và Galati) song ĐKVĐ nước Anh liên tiếp khiến khán giả nhà thất vọng với một loạt trận hòa vô duyên. Để rồi ở lượt cuối, họ buộc phải lao vào cuộc đối đầu sinh tử với chủ nhà Basel. Thất thủ 1-2 trên sân đất Thụy Sĩ là dấu chấm hết cho những hy vọng và ước mơ tại đấu trường danh giá nhất cựu lục địa của MU.

Chưa dừng lại, thông tin thủ quân Vidic nghỉ đến hết mùa càng khiến cuộc khủng hoảng nhân sự tại Old Trafford thêm trầm trọng.

4. Gary Speed treo cổ tự sát, Socrates qua đời vì rượu

Ngày Chủ nhật 27/11, làng túc cầu xứ sở sương mù nói riêng và toàn thế giới nói chung chấn động trước thông tin cựu danh thủ Gary Speed treo cổ tự vẫn tại nhà riêng. Lý do huyền thoại bóng đá xứ Wales quyết định lìa trần vẫn là dấu hỏi đau đáu trong lòng người thân và bạn bè. Anh ra đi, từ bỏ một gia đình yên ấm với vợ hiền con thơ và sự nghiệp huấn luyện trên đà thăng tiến. Hàng loạt hoạt động tưởng niệm Speed trong và ngoài sân cỏ khắp vương quốc Anh đã được tiến hành.

Gary Speed ra đi quá đột ngột hồi cuối tháng 11. Cái chết của anh gây chấn động làng bóng thế giới.

Không lâu sau cái chết của Speed, ngày 3/12, bóng đá thế giới tiếp tục nhận thêm một tin buồn: tượng đài Socrates từ trần trong bệnh viện tại Sao Paulo. Dù là một nhà trí thức đá bóng, Socrates vẫn không tránh khỏi tật nghiện rượu đã ngấm vào máu. Ông có câu nói nổi tiếng: "Tôi với rượu luôn là bạn của nhau". Và đó cũng chính là nguyên nhân dẫn tới việc ông 5 lần phải nhập viện khẩn cấp vì các chứng bệnh liên quan tới gan và bộ máy tiêu hóa.

Hai cái chết thương tâm chính là hồi chuông báo động cho vẫn nạn trầm cảm, nghiện bia rượu, thuốc lá trong giới cầu thủ, cựu cầu thủ ngày nay.
Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp PFA đã ra mắt một cẩm nang chống trầm cảm nhằm giúp các thành viên của mình phòng ngựa chứng bệnh ngày càng phổ biến này. Ngoài đối tượng chính là 4.000 hội viên hiện tại của PFA, tập sách cũng rất hữu ích với khoảng 50.000 cựu cầu thủ trên toàn thế giới.

5. Những cơn khát danh hiệu được giải tỏa

Tại Pháp, Lille đã lên ngôi vô địch Ligue 1 lần đầu tiên sau 57 năm chờ đợi. Càng giá trị hơn, họ đoạt nốt cúp quốc gia để lần thứ hai trong lịch sử lập cú đúp và trở thành đội bóng thứ ba tại giải đất hình lục lăng sở hữu từ hai cú đúp trở lên. Một trong những cầu thủ góp công lớn vào chiến dịch đăng quang của Lille là Gervinho đã được đại gia bóng đá Anh Arsenal ký hợp đồng thi đấu.

 

Ở Đức, Borussia Dormund cũng được hưởng niềm vui giải khát chiến thắng khi đoạt chức vô địch quốc gia sớm 2 vòng đấu. Phải mất 9 năm, đội bóng vùng Ruhr mới trở lại ngai vàng. Với lối chơi tấn công mạnh mẽ, quyến rũ, tập thể trẻ dưới quyền HLV Jürgen Klopp thực sự tạo nên cơn sốt trong lòng nước Đức và khắp châu Âu.

Trong khi đó, tại xứ sở sương mù, Man City đã giải được cơn khát danh hiệu sau hơn 35 năm chờ đợi. Chiếc cúp FA giành được mùa trước là sự khích lệ tinh thần rất lớn cho Mancini và các học trò vững tin vào thành công trong tương lai. Cùng chung niềm vui với 'thiếu gia Premier League' còn có Birmingham City. Dù xuống hạng nhưng đội bóng dưới quyền Alex McLeish vẫn có quyền tự hào về chiến thắng oanh liệt 2-1 trước Arsenal trong trận chung kết tại Wembley. Chức vô địch Carling Cup năm 2011 chính là danh hiêu đầu tiên sau 48 năm của CLB nhỏ bé này.

>>> 10 nét chính họa bức tranh bóng đá thế giới 2011 (P.2)

Ban thể thao VTC News

Bình luận
vtcnews.vn