Nhiều lần, khi ai đó nói hoặc viết là “thăm quan” khu du tích, “thăm quan” ngôi chùa cổ hay địa điểm du lịch, tôi có góp ý rằng phải là “tham quan” mới đúng. Tuy nhiên, không ít người vẫn nhất quyết rằng họ không sai.
“Rõ ràng là chúng ta đến thăm và quan sát, ngắm nghía nơi này, nói thăm quan thì ai cũng hiểu, sao lại bảo là sai được?”, một cán bộ huyện từng nói với tôi. Nhiều người khác cũng hiểu theo cách của anh, đó là lý do lỗi này phổ biến đến vậy.
Tuy nhiên, “thăm” theo nghĩa thăm nom mà anh ấy dùng là từ tố thuần Việt, sẽ không được kết hợp với từ tố Hán Việt để tạo thành một từ ghép. Trong từ “tham quan”, “tham” có nghĩa là can dự, tham gia vào, dự vào…, còn “quan” nghĩa là nhìn, xem (quan sát).
Theo Từ điển Tiếng Việt (công trình của Viện Ngôn ngữ học do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên), tham quan có nghĩa là “xem thấy tận mắt để mở rộng hiểu biết và học tập kinh nghiệm”, ví dụ như tham quan nhà máy, tổ chức đi tham quan, tham quan di tích lịch sử…
Có thể thấy, tình trạng dùng từ sai, viết “thăm quan” thay cho “tham quan” xuất phát từ việc hiểu sai ý nghĩa của thành phần cấu tạo nên nó, cũng như không nắm được kết cấu của từ Hán Việt. Có thể kể ra khá nhiều lỗi sai tương tự như “ra nhập” (viết đúng là gia nhập), “vô hình chung” (viết đúng là vô hình trung), “đọc giả” (viết đúng là độc giả)… Khi dùng từ Hán Việt, mọi người dễ lâm vào tình trạng viết sai, nói sai mà vẫn tin là mình đúng vì “nghe có vẻ thuận tai, quen tai”.
Đôi khi một lỗi sai nhỏ có thể gây sự khó chịu khá lớn, nên hết sức tránh.
Bạn nghĩ gì về điều này? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.
Bình luận