• Zalo

Tay không 'bắt' dự án, nhà đầu tư BOT Thái Nguyên - Chợ Mới sắp vỡ nợ

Kinh tếThứ Ba, 17/10/2017 14:32:00 +07:00Google News

Dù không góp vốn nhưng hai công ty Tuấn Lộc và Trường Lộc vẫn được phê duyệt tham gia liên danh dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, dẫn đến việc doanh nghiệp nợ nần, đứng trước nguy cơ phá sản.

Nhà đầu tư dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới là liên danh Cienco 4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc vừa kiến nghị Chính phủ cho phép thu phí hoàn vốn trên tuyến đường này, sau nửa năm thông xe.

Theo nhà đầu tư, dự án đang gặp nhiều khó khăn về tài chính và có khả năng lâm vào cảnh vỡ nợ khi chưa có nguồn thu, nhưng vẫn phải duy trì hoạt động bộ máy doanh nghiệp và quản lý bảo trì đường, trả lãi ngân hàng. Mỗi tháng chi phí dự án là hơn 16 tỷ đồng, đến nay là trên 120 tỷ đồng.

Hàng loạt sai phạm khi ''tay không bắt giặc''

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về những sai phạm của dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, trong đó có nội dung về việc lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng, theo Thanh tra Chính phủ, dự án đầu tư xây dựng công trình đường Thái Nguyên - Chợ Mới được thực hiện chỉ định thầu lựa chọn nhà đầu tư. Nhà đầu tư được lựa chọn là liên danh Cienco 4, Công ty Cổ phần Tuấn Lộc và Công ty Cổ phần Trường Lộc.

20170825111018-bot

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) chỉ cải tạo QL3 phải sử dụng quỹ Bảo trì đường bộ nhưng lại áp dụng BOT. (Ảnh: Vietnamnet)

“Hình thức chỉ định nhà thầu không đúng với quy định tại khoản 5 điều 11 Nghị định số 108/2009 của Chính phủ. Văn bản của nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án chậm, ngoài thời hạn được đăng trên báo và không đúng theo mẫu quy định.

Hồ sơ yêu cầu thực hiện dự án không đúng quy định về hiệu lực của hồ sơ đề xuất, hiệu lực của khoản bảo đảm dự thầu và khoản bảo đảm thực hiện hợp đồng. Lựa chọn nhà đầu tư khi cam kết của tổ chức tín dụng cho vay vốn chưa đầy đủ các tiêu chí theo quy định”, kết luận thanh tra nêu rõ.

Về năng lực nhà đầu tư, các thành viên liên danh chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện theo yêu cầu đối với nhà đầu tư; khả năng huy động vốn chủ sở hữu cho dự án của Cienco 4 khó khăn. Theo báo cáo tài chính, nợ phải trả 4.800 tỷ đồng; tài sản ngắn hạn chỉ có trên 3.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, việc huy động vốn thực hiện dự án, liên danh các nhà đầu tư góp được 350 tỷ đồng, thì Cienco 4 góp toàn bộ số vốn điều lệ của doanh nghiệp dự án, các công ty Tuấn Lộc và Trường Lộc không thực hiện góp vốn, sai với cam kết hợp đồng.

toa-nha-tuan-loc1

Công ty Tuấn Lộc không góp vốn nhưng vẫn tham gia liên danh thầu. 

Cũng tại dự án này, Thanh tra Chính phủ phát hiện nhà đầu tư triển khai lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án trước thời điểm được cấp giấy chứng nhận đầu tư và hợp đồng dự án chính thức ký không đúng với quy định của Nghị định 108/2009. Dự toán, phê duyệt kế hoạch đấu thầu không đúng thẩm quyền. Quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu trước khi được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận là chưa đúng quy định.

“Nhà đầu tư không thực hiện đúng quy trình quản lý chất lượng, không kiểm tra chất lượng các loại vật liệu như cát, đá, đất đắp, xi măng, sắt thép… Thực tế, một số điểm đã thi công mái taluy, nhà thầu không thi công lớp đá dăm trước khi xây mái taluy, sai thiết kế kỹ thuật thi công”.

Một số nội dung lập, duyệt dự toán áp dụng hàm lượng nhựa chưa phù hợp, không đúng hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải. So với dự án tương tự (Pháp Vân - Cầu Giẽ) về đơn giá vận chuyển cát, đá đã áp sai lệch cự ly từ mỏ đến trạm trộn bê tông nhựa và đơn giá vật liệu đến trạm trộn; tính cước vận chuyển theo quy định của địa phương chênh lệch với định mức của Bộ Xây dựng. Từ đó đã dẫn tới dự toán phê duyệt chênh lệch tăng giá trị trên 73,5 tỷ đồng.

Ngoài ra còn xác định giá trị nghiệm thu thanh toán áp dụng giá vật tư, xăng, dầu, cát vàng, xi măng… không đúng tại thời điểm thi công làm tăng giá trị trên 3 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong kết luận của TTCP nêu rõ, dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới được đầu tư phê duyệt khi chưa có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đồng thời việc áp dụng sai định mức, đơn giá khiến tổng mức đầu tư dự án bị tăng lên 101 tỷ đồng.

Điểm mặt 2 nhà ''ảo thuật'' tay không vẫn trúng thầu BOT

Công ty Trường Lộc được thành lập từ năm 2003, với các cổ đông sáng lập gồm các ông Nguyễn Đăng Hùng (1968), Nguyễn Đăng Hiếu (1975), Nguyễn Văn Hiền và vợ ông Hiền là bà Hà Thanh Vân.

Hiện nay, vốn điều lệ của Trường Lộc là 200 tỷ đồng, các ông Nguyễn Đăng Hùng và Nguyễn Đăng Hiếu đã thoái vốn khỏi đây. Trong khi người anh trai Nguyễn Văn Hiền và vợ vẫn nắm giữ gần 94%, tương đương 187,5 tỷ đồng vốn góp tại Trường Lộc.

Ngoài dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới, công ty Trường Lộc còn là thành viên trong liên danh đầu tư dự án đầu tư và xây dựng đường Hòa Lạc – Hòa Bình. Dự án này cũng bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm. Điển hình là việc chỉ định thầu cho nhà đầu tư không đủ năng lực. Nhà đầu tư đem vốn thực hiện dự án cho các thành viên trong liên danh vay lại.

Video: BOT Hà Nội - Bắc Giang đi 8 km thu phí như 45 km

Công ty Tuấn Lộc được thành lập vào năm 2005 do doanh nhân trẻ Trần Tuấn Lộc (doanh nhân trẻ thế hệ 8x, quê ở Nam Đàn, Nghệ An) điều hành và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị. Năm 2014, doanh nghiệp này tăng vốn điều lệ 950 tỷ đồng, đến tháng 7/2017, công ty Tuấn Lộc đã tăng lên con số 3.000 tỷ đồng.

Ngoài dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới, Doanh nghiệp này đã tham gia thực hiện nhiều dự án lớn như Dự án đầu tư Khu Công nghiệp Nhơn Trạch 6 – Đồng Nai; Dự án đầu tư xây dựng Khu Công Nghiệp Tuấn Lộc- Khu Kinh tế Đông Nam – tỉnh Nghệ An, Dự án cầu Sài Gòn 2, Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đặc biệt là dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư lên tới 14,6 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Tuấn Lộc cũng đã cùng với các đối tác góp vốn vào thành lập Công ty Cổ phần Cấp nước Sài Gòn – Pleiku, để đầu tư sản xuất nước sạch. Dự án xây dựng mới hệ thống cấp nước tại xã Biển Hồ, công suất giai đoạn đầu là 30.000 m3/ngày, giai đoạn đến năm 2020 là 40.000 m3/ngày, tổng vốn đầu tư trên 231,5 tỷ đồng.

Liên quan đến việc nhà đầu tư không góp vốn nhưng vẫn được tham gia dự án BOT, mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Trung ương về việc kiến nghị cơ chế thực hiện phương thức xã hội hoá đầu tư theo hình thức BT, PPP, BOT.

Trong đó, HoREA nhận định: “Nhiều công trình BT, PPP, BOT được chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư; nguồn vốn chủ sở hữu của nhiều nhà thầu, nhà đầu tư chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại khoảng 90% vốn đầu tư xây lắp là vốn vay ngân hàng nên có tiềm ẩn rủi ro và có thể ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công trình”.

Giang Thanh
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn