• Zalo

Tăng trưởng âm bao phủ nhiều nước Đông Nam Á

Tài chínhThứ Tư, 08/07/2020 08:14:53 +07:00Google News

Kinh tế của 5 nước Đông Nam Á và Ấn Độ được dự báo tăng trưởng âm trong các quý tới.

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) và Nikkei vừa thực hiện khảo sát, thu thập 38 ý kiến từ các nhà kinh tế và phân tích về 5 nền kinh tế Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan (ASEAN5) và Ấn Độ. Khảo sát này không có Việt Nam.

Khảo sát cho thấy triển vọng của các nền kinh tế này đã xấu đi trong ba tháng qua do ảnh hưởng của COVID-19 và những hạn chế kinh doanh toàn cầu. Dự báo tăng trưởng của ASEAN5 trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 là -7,8%, giảm 9,7 điểm phần trăm so với khảo sát trước đó vào tháng 3. Tỷ lệ tăng trưởng âm trong quý II/2020 được dự báo cho cả 5 quốc gia giảm và dự kiến sụt hơn 10% đối với Malaysia, Thái Lan và Singapore.

"Sự sụt mạnh trong quý hai phản ánh các tác động của việc phong tỏa 3 tháng từ 18/3 đến 9/6", Vincent Loo Yeong Hong của KAF Research tại Malaysia giải thích. "Nền kinh tế Thái Lan sẽ gặp khó khăn do ảnh hưởng của du lịch, xuất khẩu và phong tỏa", Panundorn Aruneeniramarn của Ngân hàng Thương mại Siam tại Thái Lan nhận xét.

Dự báo cho năm 2020 cũng như trong quý thứ ba và thứ tư, vẫn là tăng trưởng âm cho các nền kinh tế được khảo sát. Thất nghiệp đang gia tăng. Các chuyên gia mong đợi sự phục hồi trong nửa cuối năm nay, nhưng kịch bản này dựa trên điều kiện đại dịch sẽ được kiểm soát đúng cách.

Tăng trưởng âm bao phủ nhiều nước Đông Nam Á  - 1

Dự báo tăng trưởng cho ASEAN5 và Ấn Độ theo khảo sát của JCER và Nikkei. (Đồ họa: Nikkei)

 

"Chừng nào sự bùng phát COVID-19 ở Thái Lan được kiểm soát trong quý II thì chúng tôi hy vọng nền kinh tế chạm đáy trong quý này", ông Lalita Thienprasiddhi của Trung tâm nghiên cứu Kasikorn nhận xét.

"Một sự phục hồi mạnh mẽ" sẽ được "nhìn thấy vào năm 2021 nếu đại dịch được ngăn chặn một cách hiệu quả trong năm nay", Pauline Revillas của Metrobank nói thêm về nền kinh tế Philippines.

Manu Bhaskaran của Cent Years Asia (Singapore) nhận xét rằng, hoạt động kinh tế toàn cầu phục hồi từ quý III và mạnh mẽ hơn trong quý IV/2020...miễn là các làn sóng bùng phát tiếp theo được ngăn chặn tốt.

Ngoài đại dịch, các nhà kinh tế coi quan hệ Mỹ- Trung cũng là nhân tố ảnh hưởng đến các nền kinh tế này. "Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã nóng lại khi Trung Quốc tăng cường kiểm soát với Hong Kong, sẽ ảnh hưởng đến thị trường tài chính cũng như thương mại toàn cầu", Wan Suhaimie của Ngân hàng Đầu tư Kenanga In tại Malaysia nhận định.

Nền kinh tế của Ấn Độ được ước tính đã giảm 20,6% trong quý vừa qua. "Các biện pháp ngăn chặn và bùng phát COVID-19 do chính phủ thực hiện đã đưa hoạt động kinh tế vào bế tắc", Tirthankar Patnaik của Sở giao dịch chứng khoán quốc gia Ấn Độ nhận xét. Dự báo tăng trưởng cho năm tài khóa 2020-2021 là -5,1%, giảm 10,2 điểm phần trăm so với khảo sát trước đó vào tháng 3.

Chính phủ Ấn Độ đã công bố gói kinh tế 20.000 tỷ rupee, trị giá khoảng 10% GDP, để hỗ trợ nền kinh tế vào ngày 12/5. Chính phủ cũng bắt đầu nới lỏng từng bước phong tỏa vào đầu tháng 6/2020.

"Nguy cơ đối với tăng trưởng vẫn còn cao vì Ấn Độ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt việc lây lan khi không có sự giãn cách xã hội và xét nghiệm ít", Punit Srivastava của Daiwa Capital Markets (Ấn Độ) nhận xét. Dự báo tăng trưởng trung bình cho năm tài khóa 2021-2022 là 6,9%, tăng 12 điểm phần trăm so với dự báo cho năm tài khóa hiện tại, nhưng nó phụ thuộc vào diễn biến đại dịch.

Tăng trưởng âm bao phủ nhiều nước Đông Nam Á  - 2

Một góc cảng Tanjung Priok port tại Jakarta, Indonesia. (Ảnh: Reuters)

Cuộc khảo sát đã hỏi các nhà kinh tế về những thay đổi trung và dài hạn trong nền kinh tế và xã hội hậu COVID-19. Nhiều người trả lời rằng số hóa kinh doanh và đời sống sẽ tăng tốc.

"Các hoạt động kinh doanh và đời sống cá nhân sẽ chủ yếu xoay quanh các nền tảng trực tuyến", Carlo Asuncion của Union Bank of the Philippines cho biết. Tuy nhiên, chuyên gia Jonathan Ravelas của BDO Unibank tại Philippines cảnh báo về nguy cơ gia tăng các cuộc tấn công mạng, với lý do không gian tấn công nhiều hơn cho tin tặc khi hoạt động trực tuyến như làm việc từ xa tăng lên.

Wisnu Wardana của Bank Danamon ở Indonesia cho rằng, các lĩnh vực truyền thống và không cạnh tranh sẽ chứng kiến sự hợp nhất. Tương tự, Jojo Gonzales tại Philippine Equity Partners dự đoán rằng "sự thống trị của các doanh nghiệp lớn sẽ tăng lên khi những doanh nghiệp vừa và nhỏ phải vật lộn với nhu cầu yếu và thiếu sự hỗ trợ của chính phủ".

Vai trò của cơ sở hạ tầng cũng được chú trọng. Theo Randolph Tan thuộc Đại học Khoa học Xã hội Singapore nhận xét, cơ sở hạ tầng của Singapore có thể phải được định hướng lại mạnh mẽ để tính đến kết nối bị hạn chế.

Về nền kinh tế Thái Lan, Naris Sathapkeepeja của TMB Bank chỉ ra rằng "nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch có thể cần phải thay đổi". Trong khi đó, Alvin Ang thuộc Đại học Ateneo de Manila cho biết về nền kinh tế Philippines rằng "sự phụ thuộc vào kiều hối sẽ ít hơn, nhưng nhiều hơn vào gia công quy trình kinh doanh".

Đối với nền kinh tế Ấn Độ, Dharmakirti Joshi của CRISIL tuyên bố: "Việc di cư ngược hàng loạt do phong tỏa có thể dẫn đến những thách thức từ phía nguồn cung đối với nền kinh tế trong trung hạn".

Việt Nam - quốc gia không nằm trong khảo sát này, đã trải qua nửa đầu năm 2020 với GDP chỉ tăng ở mức 1,81%, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Cơ quan này nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu hiện tại, mục tiêu trưởng 6,8% là "nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi".

Việt Nam được một số tổ chức quốc tế dự báo vẫn sẽ tăng trưởng dương trong năm nay. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lạc quan rằng tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt 4,0-4,1%. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và World Bank lần lượt dự đoán Việt Nam sẽ tăng trưởng 2,7% và 2,8%. IHS Markit thì thận trọng hơn khi ước tính, GDP Việt Nam 2020 có thể chỉ tăng khoảng 1%.

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn