Theo TS.BS Đỗ Quốc Huy, Phó Giám đốc BV 115, các con số thống kê cho thấy, tỷ lệ tử vong do sốc phản vệ ở trên thế giới là dưới 1%. Ở các nước phát triển, tỷ lệ sốc phản vệ tính trên dân số hàng năm là 5/1.000.000.
Cụ thể, tỷ lệ tử vong do sốc phản vệ ở châu Âu 5/100.000, ở Mỹ chỉ có 20/1.000.000 trường hợp tử vong do sốc phản vệ. Tuy nhiên, con số này ở Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại.
Theo GS.Nguyễn Năng An, Chủ nhiệm khoa Dị ứng Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ tử vong do sốc phản vệ ở Việt Nam là khoảng 8,5/1.000.000 cao hơn các nước phát triển đến 1,7 lần.
Nguyên nhân là do, tại Việt Nam, bệnh nhân cứ bị sốc phản vệ là chết. Công tác phát hiện, xử lý các trường hợp sốc phản vệ ở nước ta vẫn còn rất chậm, TS.BS Huy cho biết.
Theo ý kiến của các giáo sư đầu ngành, sốc phản vệ là một tai biến y khoa đặc biệt nghiêm trọng nhưng vẫn thường xuyên xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi, tại các bệnh viện và các cơ sở y tế.
Nguyên nhân gây sốc tử vong có rất nhiều, trong đó phổ biến nhất là do dị ứng với một số loại thuốc kháng sinh như penicillin, streptomycin và một số kháng sinh khác. Ngoài ra còn do dị ứng với các loại thức ăn, hoạt động thể thao quá sức...
Bệnh nhân bị sốc phản vệ chỉ 1 - 2 phút sau là tím tái, co thắt khí quản, mạch nhanh, suy hô hấp và rồi trụy tim mạch, tụt huyết áp, hôn mê và nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ tử vong.
Video: Sốc phản vệ ở Hòa Bình - Đã tìm ra nguyên nhân
Thời gian gần đây, các trường hợp tử vong do sốc phản vệ xảy ra nhiều hơn. Đặc biệt, sự việc 7 bệnh nhân tử vong tại BVĐK tỉnh Hòa Bình đang làm nóng dư luận, khiến nhiều người quan tâm hơn đến tai biến y khoa nguy hiểm này.
Bình luận