"Tôi chuẩn bị sinh con nhưng không có cả sữa công thức và băng vệ sinh? Tôi phải làm gì bây giờ", tài khoản Twitter Zarida viết trên Twitter.
Đây không phải là nỗi lo của riêng Zarida mà còn là nỗi niềm của nhiều phụ nữ Mỹ trong bối cảnh băng vệ sinh trở thành mặt hàng mới nhất "biến mất" khỏi các kệ hàng.
Trong bức gửi tới Procter & Gamble, Edgewell Personal Care, Kimberly-Clark - các nhà sản xuất băng vệ sinh hàng đầu của Mỹ, Thượng nghị sỹ Maggie Hassan yêu cầu các hãng này trình bày kế hoạch của họ nhằm giải quyết tình trạng trên.
"Trong những ngày gần đây, tôi thấy các báo cáo đáng lo ngại về nguồn cung thấp và thậm chí các kệ băng vệ sinh trống không, cũng như các dấu hiệu liên quan đến việc thay vì tăng nguồn cung, các công ty đã tăng giá băng vệ sinh. Trong khi thiếu hụt băng vệ sinh là một phần của vấn đề lớn hơn liên quan tới chuỗi cung ứng, thì việc tăng giá trục lợi các sản phẩm thiết yếu là phản ứng không thể chấp nhận được", bà Hassan cho hay.
Trong cuộc phỏng vấn với Fortune, các hãng bán lẻ xác nhận họ đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt nguồn cung cùng hàng loạt lời phàn nàn từ khách hàng.
Trong khi đó, các nhà sản xuất băng vệ sinh lớn cho biết tình trạng thiếu hụt hiện tại là do thiếu lực lượng lao động từ sau đại dịch và việc sản xuất bị đình trệ.
Giám đốc tài chính Andre Schulteng của Procter & Gamble - "cha đẻ" của nhãn hiệu băng vệ sinh Tampax phổ biến tại Mỹ than phiền về các khó khăn trong việc tìm kiếm các nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất băng vệ sinh như bông, rayon và nhựa. Nguyên nhân là bởi lạm phát kéo giá của các mặt hàng này lên cao.
Trong khi đó, người phát ngôn của Edgewell Personal Care, công ty sản xuất băng vệ sinh Playtex cho biết việc sản xuất sản phẩm của họ bị ảnh hưởng do tình trạng thiếu hụt nhân lực trên diện rộng vốn là hệ quả sau các đợt bùng phát Omicron.
Trong phần hồi đáp lá thư của Thượng nghị sỹ Maggie Hassan, Procter & Gamble gọi nguồn cung thiếu hụt là “tình hình tạm thời”.
Karyn Boosin Leit, Chủ tịch IFPO - tổ chức phi lợi nhuận cung cấp nhu yếu phẩm, băng vệ sinh tới các hộ gia đình của Mỹ cho biết trong nhiều tuần, nhiều người tới gặp cô trong nước mắt, nói rằng họ đang trong chu kỳ kinh nguyệt và xin giúp đỡ.
Elise Joy - đồng sáng lập tổ chức Girls Helping Girls Period cho biết tư đầu tháng 4, cô nhận được hàng loạt cuộc gọi và email từ các tổ chức quyên góp băng vệ sinh, nhờ tổ chức của cô lấp đầy khoảng trống cung ứng.
Joy không từ chối bất cứ ai, nhưng cô ấy không chắc tổ chức của mình sẽ có thể hỗ trợ được bao lâu.
“Hiện tại chúng tôi vẫn ổn trong một vài tháng, nhưng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra vào mùa thu”, Joy nói.
Ông Patrick Penfield, chuyên gia quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học Syracuse cho biết nhu cầu băng vệ sinh đặc biệt tăng trong thời gian gần đây do người tiêu dùng có tâm lý đổ xô đi tích trữ khi thấy thiếu vắng các thương hiệu nhất định. Bên cạnh đó, là thực tế thiếu các nguyên liệu thô nhất định, trong đó có bông.
Tình trạng khan hiếm đẩy giá băng vệ sinh lên cao ngất ngưởng. Giá của một gói băng vệ sinh tăng gần 10% trong năm qua.
Theo, ông Vaughn Moore - Giám đốc diều hành tại AIT Worldwide Logistics, nếu các nhà sản xuất sẽ gặp khó trong việc giữ sản phẩm trên kệ, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn vào những tháng tới.
"Nguồn cung ngày càng eo hẹp khi cuối năm đang cận kề. Đây là khoảng thời gian thử thách thực sự", ông này cho hay.
Trong suốt thời kỳ dịch bệnh, người dân Mỹ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhu yếu phẩm như giấy vệ sinh, nước rửa tay, khăn lau và sữa bột. Điều này đã trở thành "bình thường mới" nhưng nhiều người Mỹ vẫn chưa thể thích nghi.
Trong bối cảnh lạm phát Mỹ lập đỉnh sau 40 năm do ảnh hưởng từ xung đột Ukraine, không ít người đang tự hỏi mặt hàng tiếp theo biến mất khỏi kệ hàng là sản phẩm nào.
Với tình trạng thiếu hụt băng vệ sinh hiện tại, các chuyên gia Mỹ khuyến cáo phụ nữ sử dụng cốc nguyệt sản hoặc hoặc đồ lót dùng riêng cho kỳ kinh nguyệt để thay thế.
Bình luận