Kệnh CNN dẫn lời nhà kinh tế học Mark Zandi của Moody's Analytics về tình trạng lạm phát tại Mỹ nhận định, mỗi ngày trôi qua giá xăng ở Mỹ lại đạt một mốc kỷ lục mới, kéo theo đó là chi phí thực phẩm tăng và việc người dân có thể mua nhà ngày càng trở nên bất khả thi.
Ông Mark Zandi cho rằng việc lạm phát tăng cao “không phải là điều bất ngờ” trong bối cảnh thế giới vẫn chưa thể vượt qua cú sốc COVID-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine tác động không nhỏ đến nguồn cung năng lượng toàn cầu. Lạm phát ở Mỹ trong thời gian tới vẫn sẽ chịu tác động từ hai sự kiện này.
Dù dự báo về thị trường trong thời gian tới còn khó khăn, chuyên gia Zandi vẫn giữ đánh giá lạc quan: “Tôi tin lạm phát ở Mỹ hạ nhiệt vào giữa năm 2023, thị trường sẽ sớm ổn định trở lại một thời gian sau đó".
Ông Zandi khẳng định đại dịch sẽ tiếp tục gây sức ép lên nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc - nước đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã đóng cửa nhiều vùng kinh tế để duy trì chính sách "Zero COVID". Một khi “nút thắt” Trung Quốc còn chưa được tháo gỡ, chuỗi cung ứng sẽ còn trong tình trạng bấp bênh.
Tính đến hết tháng 5, ước tính có khoảng 1,8 triệu người Mỹ vẫn trong tình trạng thất nghiệp khi một loạt doanh nghiệp phá sản hoặc đóng cửa do tác động của COVID-19. Các doanh nghiệp còn trụ lại được thì đang vật lộn với tình trạng thiếu lao động và phải tăng lương để giữ chân nhân viên. Chi phí cho nhân sự cao hơn cũng khiến họ phải tăng giá sản phẩm.
Thêm vào cuộc khủng hoảng COVID-19, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine khiến nguồn cung dầu mỏ, nông sản và các mặt hàng khác bị gián đoạn trên toàn cầu. Hậu quả của việc đó là giá cả tăng vọt. Giá xăng ở Mỹ đang ở mức 1,3 USD/lít (tương đương hơn 30.000 đồng/lít) và giá dầu diesel cũng leo thang theo. Dầu diesel ảnh hưởng rất lớn tới giá thực phẩm bởi nó quyết định số tiền các nhà bán hàng phải chi cho việc vận chuyển thức ăn.
Lạm phát không còn là vấn đề lớn vào năm 2023
Đại dịch COVID-19 dường như đang “giảm nhiệt”. Tuy các ổ dịch mới vẫn tiếp tục xuất hiện nhưng chúng ít gây ảnh hưởng đến nền kinh tế. Bệnh dịch cũng trở nên ít nghiêm trọng hơn nhờ hiệu quả của vaccine, các liệu pháp điều trị cũng như năng lực đối phó của các biến chủng mới ngày càng tăng.
Cùng với đó, những ảnh hưởng kinh tế từ xung đột Nga-Ukraine đang dần có hướng giải quyết. Dù giá dầu tiếp tục tăng do Liên minh châu Âu (EU) quyết định cấm vận dầu của Nga nhưng các nhà sản xuất dầu toàn cầu cũng có động lực mạnh mẽ để tăng cường sản xuất. Ông Zandi dự đoán giá dầu và xăng sẽ giảm vào cuối năm nay.
Một điều tích cực khác trong bối cảnh hiện tại là đa phần lạm phát ở Mỹ không phải do nhu cầu quá lớn. Ví dụ, người tiêu dùng đang chi mạnh tay cho các sản phẩm gia dụng và thiết bị điện tử nhưng lại hạn chế sử dụng những dịch vụ như du lịch. Điều đó cho thấy thói quen chi tiêu của họ đã không còn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Việc này cũng chứng minh các biện pháp hỗ trợ kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang (FED) và các nhà lập pháp Mỹ đã đem lại hiệu quả. Nếu chính quyền không đưa ra mức lãi suất thấp kỷ lục và hàng nghìn tỷ USD tiền viện trợ, nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái tồi tệ hơn nữa.
Mark Zandi cho biết ông lạc quan vì tin rằng các chính sách tiền tệ của FED có hiệu quả - Cục đã tăng lãi suất đủ nhanh và đủ cao để kiềm chế kỳ vọng lạm phát, nhưng không cao tới mức gây ra nguy cơ suy thoái kinh tế. Ông Zandi nhận định hiện các chính sách vẫn đang hoạt động tốt.
Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế tại Moody's Analytics cho rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và Quốc hội Mỹ nên thông qua một bộ luật giúp giảm bớt áp lực từ lạm phát. Cụ thể, ông đề cập việc giảm giá thuốc hoặc tăng ưu đãi thuế để tạo điền kiện cho người dân xây nhà.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng không nhất định phải có sự thay đổi trong chính sách để vấn đề lạm phát được cải thiện: “Hiện tại, tất cả những gì chúng ta cần là một chút may mắn và tình hình đại dịch cũng như cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể diễn ra theo chiều hướng lạc quan hơn”.
Bình luận