Thực phẩm chứa hóa chất đang được bày bán tràn lan trên thị trường, vì vậy mỗi người cần có những kiến thức cơ bản để nhận biết các loại thực phẩm này.
Dễ ngộ độc nếu ăn phải thịt chứa chất tạo nạc
Ngày nay, vì mục đích lợi nhuận, nhiều cơ sở kinh doanh đã không ngần ngại sử dụng trái phép Salbutamol - một chất tạo nạc trong chăn nuôi. Đây cũng là chất tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.
Salbutamol vốn là hoạt chất sử dụng làm thuốc điều trị với các chỉ định thăm dò chức năng hô hấp, điều trị cơn hen, ngăn cơn co thắt phế quản do gắng sức, điều trị tắc nghẽn đường dẫn khí hồi phục được, điều trị cơn hen nặng, cơn hen ác tính, viêm phế quản mạn tính, giãn phế nang.
Rước bệnh vào người nếu ăn phải thịt có chứa chất tạo nạc. Ảnh minh họa |
Sabutamol được sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm (như nuôi lợn, gà) có thể giúp vật mau lớn, giúp chuyển hóa làm tiêu mỡ, giúp tăng khối lượng cơ (gọi là “siêu nạc”), làm màu thịt đỏ tươi hơn. Tuy nhiên con người khi ăn phải loại chất Salbutamol có thể dẫn đến hội chứng ngộ độc tim đập nhanh, tăng hoặc hạ huyết áp, run tay chân, đau cơ, buồn nôn, ói, gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, gây nhiễm trùng hô hấp.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết các chất tạo nạc cho lợn thường có nguồn gốc từ nhóm B-agonist là Salbutamol, Chlebutarol. Người chăn nuôi thường pha chất này với thức ăn cho lợn trong khoảng 1 - 2 tháng, thậm chí là 15 ngày. Sau khi sử dụng khoảng nửa tháng, người chăn nuôi phải cho lợn xuất chuồng vì nếu không chúng sẽ thoái hóa, có thể chết.
Do đó, nếu ăn phải thịt lợn chứa chất tạo nạc, người sử dụng sẽ ăn trực tiếp tồn dư các chất đó. Sau một thời gian tích lũy trong cơ thể, người tiêu dùng sẽ bị nhiễm độc gây nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, nhịp tim nhanh, làm tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn tiêu hóa. Trường hợp ngộ độc nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng có thể dẫn đến tử vong.
Theo ý kiến của ThS. Lê Hồng Dũng - Viện Dinh dưỡng, lợn nếu được nuôi bằng hóa chất tạo nạc thì da sẽ mỏng hẳn, khi lợn còn sống da có độ căng bất thường, có cảm giác như bị ứ nước bên trong.
Khi chọn thịt cần tránh loại mà lớp mỡ dưới da mỏng, lỏng lẻo, dày chưa đến 1cm (trong khi lớp mỡ của lợn nuôi bình thường dày từ 1,5 – 2cm). Khi thái thịt nếu miếng thịt mềm, không đứng vững được thì có khả năng là loại bị sử dụng chất tạo nạc. Khi mua thịt cần để ý chỗ liên kết giữa phần nạc và phần mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, đồng thời có dịch vàng rỉ ra thì chắc chắn đó là thịt nuôi bằng chất tạo nạc.
Để chọn được các loại thịt an toàn, nên chọn thịt có màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô. Tránh thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, không bóng, màng ngoài nhớt.
Nguy cơ ung thư cao nếu ăn phải gà nhuộm chất vàng
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phát hiện một chất cấm mới có tên vàng ô - một loại nguyên liệu làm ve quét tường trong xây dựng hoặc sử dụng để nhuộm màu vải nhưng lại được dùng để tạo màu vàng cho thịt gà trong quá trình chăn nuôi. Nếu con người ăn phải loại thực phẩm chứa chất cấm này có thể bị ung thư.
Nguy cơ ung thư cao khi ăn gà nhuộm chất vàng. Ảnh minh họa |
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng Phòng thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Thanh tra bộ có phát hiện một chất cấm mới được người chăn nuôi sử dụng để tạo màu vàng cho thịt gà. Qua tham khảo với bên Học viện Nông nghiệp thì được biết, chất này có tên gọi là chất vàng ô, con người có thể bị ung thư nếu ăn các loại thịt gà có tồn dư chất này.
Vàng ô là hóa chất được nhập khẩu về từ nước ngoài, có công dụng để nhuộm màu sợi vải hoặc được sử dụng làm nguyên liệu làm ve quét tường trong ngành xây dựng để tạo màu sắc. Chất này không được phép sử dụng trong thực phẩm vì nó có hại cho sức khỏe của con người. Trong quá trình chăn nuôi, người nuôi sử dụng chất vàng ô này trộn vào thức ăn để tạo màu đẹp, đồng thời khi cho gà ăn sẽ giúp chân, da gà có màu vàng bắt mắt.
Cách nhận biết đơn giản nhất là bạn chú ý đến màu sắc, với các loại thịt gà làm sẵn, bạn nên chọn những con có da vàng tự nhiên, màu trắng ngà hoặc màu vàng tươi, khi sờ vào gà không bị màu dính ra tay. Da gà ta có màu vàng nhạt, chỉ vàng đậm ở một số chỗ như cánh, ức hay lưng, mỡ màu vàng.
Nếu da gà có màu vàng ươm, đồng đều toàn thân gà có màu vàng bắt mắt là loại gà chứa hóa chất, bạn không nên lựa chọn. Ngoài ra, để chọn được gà tươi ngon, bạn nên chọn những con gà nhìn thịt phải tươi, không có mùi kháng sinh hoặc mùi hôi.
Lươn nuôi bằng thuốc tránh thai tăng nguy cơ rối loạn nội tiết
Thông tin lươn được nuôi bằng thuốc tránh thai cũng khiến không ít người tiêu dùng bị sốc trong thời gian vừa rồi. ThS.BS Nguyễn Trung Cấp (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho rằng, việc ăn phải thực phẩm tồn dư hormone quá mức cho phép, giống như uống homrone liều thấp, dùng nhiều, lâu dài sẽ gây những rối loạn về nội tiết trong cơ thể. Trẻ nhỏ ăn phải thực phẩm tồn dư hormone có thể gây rối loạn phát triển, dư homrone sinh dục thì gây dậy thì sớm.
Lươn nuôi bằng thuốc tránh thai tăng nguy cơ rối loạn nội tiết. Ảnh minh họa |
Còn đối với thực phẩm tồn dư kháng sinh quá ngưỡng, những người ăn phải thực phẩm này ngẫu nhiên hấp thụ một lượng kháng sinh liều thấp vào người. Vì ở ngưỡng tồn dư, rất thấp nên kháng sinh không đủ để tiêu diệt vi khuẩn trong cơ thể người, khiến vi khuẩn trong cơ thể dần quen kháng sinh, gây nên tình trạng kháng kháng sinh rất nguy hiểm.
Theo Ths.BS Lê Thị Phương Huệ, Bệnh viện Thanh Nhàn, thuốc tránh thai có tác dụng ức chế sự rụng trứng ở người phụ nữ. Việc ăn lươn được nuôi bằng thuốc tránh thai, người ăn vào có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nhất định.
Những trường hợp con lươn vỗ béo bằng thuốc tránh thai cũng tương tự như vậy vì nguyên tố có trong thuốc tránh thai khó phai nhiễm. Khi các thực phẩm có tồn dư thuốc tránh thai, hay kháng sinh quá ngưỡng cho phép rõ ràng sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Đặc biệt là ở trẻ em và phụ nữ, khi ăn những thực phẩm này, họ vô tình đã “nạp” một lượng hormone vào cơ thể và nó sẽ can thiệp vào quá trình sản xuất nội tiết của cơ thể người, từ đó làm rối loạn nội tiết
.
Người tiêu dùng cũng lưu ý khi mua lươn ngoài chợ tuyệt đối không được mua lươn đã chết hoặc ươn về chế biến. Trong thịt lươn chứa rất nhiều protein, trong đó có hợp chất Histidine tốt cho cơ thể, nhưng khi lươn chết, hợp chất này bị ô nhiễm bởi vi khuẩn và có thể chuyển hóa thành chất độc Histamine.
Nguồn:Afamily
Bình luận