• Zalo

Rét đậm, phụ nữ mang thai cần lưu ý điều này để ngừa nguy cơ tiền sản giật

Tư vấnThứ Sáu, 23/12/2022 07:16:15 +07:00Google News
(VTC News) -

Tiếp xúc với môi trường lạnh làm cho các mạch máu của phụ nữ mang thai co lại, khiến tuần hoàn dinh dưỡng từ mẹ sang con giảm.

Bác sĩ Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, qua quan sát thực tế tại bệnh viện, các bác sĩ nhận thấy hằng năm cứ mỗi khi thời tiết đổi mùa từ nóng sang lạnh, nhất là các đợt rét đậm thì số lượng thai phụ nhập viện cấp cứu do tăng huyết áp lại gia tăng. Nghiên cứu sâu hơn, các bác sĩ  phát hiện ra có mối liên quan giữa thời tiết lạnh với sức khỏe của bà mẹ và thai nhi.

Trong những tháng đầu của thai kỳ, nếu thường xuyên tiếp xúc với thời tiết lạnh thì mạch máu của người phụ nữ mang thai bị co lại, dẫn đến tuần hoàn dinh dưỡng từ mẹ sang con giảm đi và tăng nguy cơ thai nhỏ hơn bình thường. Khi đến quý 3 của thai kỳ thì lại phát sinh ra bệnh tăng huyết áp.

Đây là nguy cơ dẫn đến tiền sản giật ở bà mẹ mang thai. Tiền sản giật là giai đoạn xảy ra trước khi lên cơn sản giật – một biến chứng hết sức nguy hiểm đối với sản phụ và thai nhi”, bác sĩ Phan Chí Thành giải thích.

Rét đậm, phụ nữ mang thai cần lưu ý điều này để ngừa nguy cơ tiền sản giật - 1

Phụ nữ mang thai cần chú ý giữ ấm trong những ngày rét đậm để đảm bảo sức khỏe.

Bên cạnh đó, thời tiết lạnh ẩm mùa đông – xuân rất dễ khiến phụ nữ mang thai mắc bệnh cúm, bệnh đường hô hấp, cảm lạnh. Điều này cũng rất nguy hiểm trong quá trình mang thai nếu không được điều trị kịp thời, dứt điểm.

Để phòng nguy cơ tăng huyết áp và tiền sản giật cũng như tránh nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm trong mùa lạnh, BS Phan Chí Thành khuyến cáo, phụ nữ mang thai cần phải mặc trang phục kín gió, nhiều lớp để giữ ấm cho cơ thể đồng thời cũng dễ cởi bỏ nếu thấy nóng bức.

Khi rửa tay, chân, vệ sinh cá nhân, hay tắm đều phải sử dụng nước ấm, không tắm nước quá nóng hoặc lạnh. “Chẳng hạn, chúng ta rửa tay, khi mở vòi nước thì phải chờ nước ấm mới cho tay vào. Nếu rửa tay ngay bằng nước lạnh, thì không chỉ bàn tay mà cả cơ thể chúng ta sẽ nhận tín hiệu đang bị lạnh và sẽ khởi phát phát toàn bộ hệ thống co mạch toàn thân”, BS Thành nói.

Với những phụ nữ đã có tiền sử tăng huyết áp hoặc tiền sản giật ở lần mang thai trước thì cần chú trọng kiểm soát huyết áp, tiểu đường. Thai phụ cần phải uống thuốc điều trị huyết áp đều đặn, thường xuyên theo chỉ dẫn của bác sĩ và cần được dự phòng tiền sản giật ngay từ những tháng đầu của thai kỳ.

Chị em tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc hoặc bỏ thuốc. Đặc biệt, trong những ngày thời tiết lạnh thì cần đo huyết áp thường xuyên để phát hiện sớm những bất thường.

Trời càng lạnh thì cơ thể càng tiêu hao nhiều năng lượng. Do đó, thai phụ nên nên thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, cân đối để bù đắp năng lượng thiếu hụt, đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho cả mẹ và con.

Tuy nhiên, nếu ăn nhiều quá cùng một lúc thì đường máu tăng lên rất nhanh, có nguy cơ bị rối loạn chuyển hóa. Vì vậy, bà mẹ mang thai nên chia nhỏ khẩu phần, ăn thành nhiều bữa (5 - 6 bữa/ngày) để tránh bị đói quá hoặc no quá.

Ánh Tuyết(VOV2)
Bình luận
vtcnews.vn