Theo PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền – Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, những ngày rét đậm, rét hại vừa qua, hầu như ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận các bệnh nhân cấp cứu vì đột quỵ. So với ngày bình thường, hiện số bệnh nhân đột quỵ nhập Bệnh viện Tim Hà Nội tăng lên 20%.
Trong khi đó, tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, từ tháng 10 đến tháng 12/2020, đơn vị tiếp nhận 1.000 ca đột quỵ/tháng. Các ca bệnh rải rác ở nhiều khoa khác nhau như Cấp cứu, Tim mạch, Thần kinh.
Đáng chú ý, trong 1.000 bệnh nhân trên có tới 10% số ca bệnh ở độ tuổi còn rất trẻ. Đặc biệt, có bệnh nhân mới chỉ 14 tuổi.
Theo BS Hiền, do những ngày qua trời lạnh, nhiều người bị co mạch, huyết áp tăng và tâm lý ngại đi khám sức khoẻ nên tăng tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do đột quỵ.
Mặt khác, đời sống sinh hoạt của nhiều người còn chưa lành mạnh, căng thẳng nhiều, dinh dưỡng không hợp lý, thói quen hút thuốc, sử dụng rượu bia và mắc kèm các bệnh lý nền tiểu đường, mỡ máu… cũng là nguyên nhân khiến nhiều người bị đột quỵ.
Đột quỵ nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có nguy cơ gây liệt chi, liệt toàn thân thậm chí tử vong nhanh chóng. BS Hiền khuyến cáo người dân, trong những ngày thời tiết lạnh, cần giữ ấm cơ thể khi ra ngoài đường. Đặc biệt là vùng tai, đầu, cổ, ngực và bàn chân.
Mọi người tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích, uống rượu bia, hút thuốc lá; tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, không thức khuya, bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Bên cạnh đó, người dân nên uống nhiều nước, không tập thể dục vào sáng sớm và đêm muộn để tránh nguy cơ đột quỵ. Nếu trời mưa, nhiệt độ quá thấp hạn chế ra khỏi nhà để bảo vệ sức khoẻ.
“Với những người mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp, tiểu đường và một số bệnh mãn tính khác cần cố gắng giữ ấm cơ thể, không nên ra ngoài. Ngoài ra, những người này cũng nên kiểm tra sức khoẻ và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ thường xuyên để hạn chế nguy cơ bị đột quỵ”, BS Hiền nói.
Thông tin từ Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh (Bộ Y tế), đột quỵ là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây tàn tật và phổ biến thứ ba gây tử vong tại Việt Nam. Mỗi năm, nước ta ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ, 50% số ca bệnh trên đều không thể qua khỏi.
Đáng lưu ý, tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ ngày càng tăng. Hiện, số ca đột quỵ ở độ tuổi trung niên và thanh niên chiếm 30% tổng số bệnh nhân. Mỗi năm, tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ tăng thêm khoảng 2%. Trong đó, số lượng nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
Bình luận