Trong tuyên bố đưa ra cuối tháng 10, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố, tất cả người dân nước này sẽ được tiêm ngừa vaccine COVID-19 một khi sản phẩm này được hoàn thành các thử nghiệm và được sản xuất hàng loạt.
"Chúng tôi có một mạng lưới tiêm chủng rộng lớn, giàu kinh nghiệm và đất nước sẽ tận dụng những lợi thế này”, ông Modi nhấn mạnh.
Khác biệt của Ấn Độ là nước này có chương trình tiêm chủng lớn nhất thế giới - chương trình tiêm chủng phổ cập. Quốc gia Nam Á có 27.000 mắt xích trong dây chuyền lạnh (tủ đông âm sâu và tủ lạnh lót đá) để giữ vaccine ở nhiệt độ thích hợp. Cùng với đó là 700 xe tải lạnh, khoảng 50.000 kỹ thuật viên và khoảng 2,5 triệu nhân viên y tế trong dây chuyền này.
Nhưng điểm tiếp nhận và luân chuyển vaccine ở một số nơi đang trong tình trạng sửa chữa không rõ khi nào phục hồi. Không ít đồng hồ đo nhiệt độ tủ lạnh không hoạt động. Tại một số địa phương, vaccine không được bảo quản và theo dõi đúng cách. Chưa kể, điện ở không ít thành phố thường bị cắt nhiều giờ đồng hồ.
Việc vận chuyển vaccine ở một quốc gia rộng lớn như Ấn Độ cũng là một thách thức không nhỏ. Quốc gia này cũng chỉ còn cách mùa hè chưa đầy bốn tháng, thời điểm mà nhiệt độ có thể lên tới 50 độ C.
Với cái nắng thiêu đốt vào bốn tháng tới, chính phủ Ấn Độ sẽ gặp khó nếu chọn vaccine của Pfizer / BioNTech vốn cần được lưu trữ trong nhiệt độ ở dưới mức -70 độ C.
Ngay cả với các vaccine bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8 độ C như của Moderna hay Oxford/AstraZeneca, Ấn Độ vẫn sẽ phải mở rộng quy mô dây chuyền lạnh khổng lồ hiện có.
Xe tải và tàu hỏa sẽ đưa vaccine từ nhà máy sản xuất tới các trung tâm bảo quản vaccine ở mỗi thủ phủ bang. Từ các trung tâm này, vaccine tiếp tục được vận chuyển bằng xe tải, tàu hỏa, máy bay tới các bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám. Ở các địa điểm trên, chúng tiếp tục được bảo quản trong tủ đông một lần nữa trước khi sử dụng.
Mặc dù chính phủ của Thủ tướng Modi cam kết hành động nhanh chóng, vẫn chưa rõ khi nào các xe tải đông lạnh, trung tâm lưu trữ, tủ đông, tủ mát, ống tiêm, gạc cồn và lọ thủy tinh sẽ sẵn sàng cho chiến dịch tiêm phòng quy mô lớn.
"Chúng tôi không nhận được bất kỳ số liệu cụ thể nào. Quy mô của nhiệm vụ vượt quá khả năng những gì mà chúng tôi có. Vậy kế hoạch là gì?", Tiến sĩ Satyajit Rath - nhà khoa học tại Viện Miễn dịch học Quốc gia Ấn Độ thắc mắc.
Một số chuyên gia lo ngại việc tiêm chủng vaccine chống COVID-19 sẽ ảnh hưởng tới chương trình tiêm chủng cho phụ nữ và trẻ em. Họ tin rằng hai chương trình này khó có thể hoạt động song song. Việc tiêm chủng cho trẻ nhỏ ở Ấn Độ trước đó cũng bị gián đoạn vì đại dịch.
"Chính phủ cần tăng cường cơ sở hạ tầng gấp 5 đến 10 lần những gì chúng ta có hiện nay. Tôi thấy vấn đề chủ yếu ở đây là về "phần cứng". Ngay cả khi chính quyền hợp tác với khu vực tư nhân, dây chuyền lạnh chỉ giới hạn ở các khu vực đô thị. Chúng hầu như không tồn tại ở các vùng nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa", T. Sundararaman, điều phối viên của Phong trào Sức khỏe Nhân dân cho hay.
Trước các lo ngại trên, chính quyền các bang Ấn Độ đã bắt đầu thành lập các đội đặc nhiệm. Một số bang như Bihar, Karnataka và Maharashtra cung cấp thông tin về số lượng tủ lạnh, tủ đông âm sâu, tủ mát mà họ cần. Các bang này cũng đang tổng hợp danh sách những người nằm được ưu tiên tiêm phòng.
Nhiều công ty tư nhân ở Ấn Độ cho biết họ có thể tham gia cùng chính quyền trong chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn. Công ty Hindustan Syringes của Ấn Độ, một trong những nhà sản xuất ống tiêm lớn nhất thế giới cam kết tăng quy mô sản xuất từ 700 triệu lên 1 tỷ ống tiêm mỗi năm để đáp ứng nhu cầu dự kiến cả trong và ngoài nước.
Nhưng một câu hỏi đặt ra là ai sẽ quản lý vaccine. Theo Guardian, cần tới hàng triệu người đảm nhận công việc này ở quốc gia hơn 1 tỷ dân như Ấn Độ. Tổ chức các nhà hóa học và các nhà đấu tranh toàn Ấn Độ cho biết họ có thể đào tạo một nửa trong tổng số 800.000 thành viên của mình giúp quản lý vaccine.
“Việc đào tạo cách tiêm, cách vứt bỏ ống tiêm và cách theo dõi tác dụng phụ phải được sắp xếp, giám sát và theo dõi. Chúng tôi không biết điều đó sẽ xảy ra như thế nào. Ngay cả khi các nhà hóa học được đào tạo, điều đó vẫn chưa đủ. Chúng tôi cần thêm nhân viên y tế. Nhưng nếu các nhân viên y tế ngày đêm lo chuyện tiêm phòng COVID-19, nhiệm vụ bình thường của họ với các bệnh nhân thì sao?", ông Rath nêu quan điểm.
Ông Rath lo ngại chiến dịch tiêm phòng thời gian tới có thể sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn nếu thiếu hụt nhân lực dẫn tới cảnh đám đông xếp hàng dài bên ngoài các phòng khám bị từ chối.
"Những người có ảnh hưởng và có mối quan hệ tốt có thể sẽ cố gắng 'cắt hàng'”, ông nói.
Bình luận