Tại Lễ khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc sáng 18/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận BÌnh phát biểu việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng là điều thực sự cần phải làm bởi điều này sẽ mang lại những thay đổi đáng kể cho chất lượng nền kinh tế Trung Quốc.
Trước đó, chính phủ Trung Quốc công bố về việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng trong lĩnh vực công nghiệp, vốn đang dư thừa năng lực sản xuất khiến cung vượt quá cầu. Các chuyên gia đánh giá điều này dù khiến sản phẩm có giá thành thấp và giữ lạm phát ở mức thấp, nhưng nó khiến nhiều công ty Trung Quốc phá sản.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tuyên bố sẽ tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của thế giới, ông nói: "Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực bảo vệ hòa bình thế giới và đóng góp vào sự phát triển của thế giới".
Bên cạnh đó, ông Tập Cận Bình cũng nói ngắn gọi về con đường hiện đại hóa của Trung Quốc: “Ở giai đoạn đầu tiên, từ năm 2020 đến năm 2035, chúng tôi sẽ xây dựng nền tảng xã hội với mức độ thịnh vượng trung bình và nhờ vào 15 năm nỗ lực, chúng tôi nhìn chung sẽ hoàn thành hiện đại hóa”.
Theo ông Tập Cận Bình, giai đoạn 2 từ năm 2035 đến giữa thế kỷ 21, Trung Quốc sẽ trở thành 1 nước Xã hội chủ nghĩa “giàu có, hùng mạnh, dân chủ, hài hòa, văn minh, hiện đại”.
Andrei Ostrovsky, người đứng đầu Trung tâm phụ trách nghiên cứu kinh tế xã hội Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng, với Trung Quốc ngày nay, vấn đề phát triển đất nước đã gắn với vấn đề phát triển toàn cầu mà biểu hiện cụ thể hiện tại là sáng kiến “Vành đai, con đường” do Trung Quốc đưa ra.
Ông Ostrovsky nhận định: “Trung Quốc đang cố gắng thu hẹp khoảng cách phát triển giữa khu vực phía đông và khu vực phía tây của đất nước này, đồng thời tăng cường đáng kể đầu tư phát triển cơ sở vật chất cho hoạt động kinh tế tại nhiều quốc gia". Nhờ đó, Trung Quốc đang trở thành một đầu tàu của nền kinh tế thế giới, ông Ostrovsky kết luận.
Bình luận