• Zalo

Nữ sinh viên sư phạm biến bã mía, vỏ trứng thành hộp bút, túi xách

Câu chuyện xanhThứ Sáu, 22/12/2023 11:22:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Từ những phế phẩm như bã mía, vỏ trứng... sinh viên Ngô Gia Thảo (ĐH Sư phạm TP.HCM) đã tạo nên sản phẩm hữu ích, thẩm mỹ cao như tranh, hộp bút, túi xách.

Mới đây, Ngô Gia Thảo (sinh viên năm nhất Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đã vượt qua 600 học sinh, sinh viên ưu tú, giành học bổng SCG Sharing the Dream năm 2023, khu vực miền Nam.

Niềm đam mê của Thảo không chỉ giới hạn trong học tập mà còn mở rộng tới việc tìm kiếm giải pháp sáng tạo cho vấn đề môi trường.

Sinh viên trẻ tài năng Ngô Gia Thảo.

Sinh viên trẻ tài năng Ngô Gia Thảo.

Tái chế phế liệu là một trong những lĩnh vực mà Gia Thảo tập trung nghiên cứu và phát triển. Nữ sinh viên đã tận dụng phế liệu tưởng chừng bỏ đi như vỏ bắp, bã mía, vỏ trứng, thân chuối… biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật và văn phòng phẩm độc đáo. 

“Tôikhông nghĩ các dự án bảo vệ môi trường, tái chế phế phẩm là công trình to lớn. Đối với tôi bảo vệ môi trường là hành động nhỏ nhưng thiết thực và đem lại kết quả cho cộng đồng”, Ngô Gia Thảo nói.

Dự án sử dụng sơ dừa làm bàn chải đánh răng của Ngô Gia Thảo gây ấn tượng với cộng đồng vì tính ứng dụng cao trong lĩnh vực du lịch.

Dự án sử dụng sơ dừa làm bàn chải đánh răng của Ngô Gia Thảo gây ấn tượng với cộng đồng vì tính ứng dụng cao trong lĩnh vực du lịch.

Với dự án "Bàn chải đánh răng thân thiện với môi trường," Thảo đã tạo ra sản phẩm sáng tạo giúp giảm lượng nhựa thải đưa ra môi trường, đặc biệt là trong ngành du lịch. Dự án này đã nhận được sự chú ý lớn từ cộng đồng và giới truyền thông, cũng như những giải thưởng quan trọng trong các cuộc thi về bảo vệ môi trường trong năm 2022.

Tái chế các phế phẩm như vỏ bắp, bã mía, vỏ trứng... để tạo nên những sản phẩm hữu ích, có tính thẩm mỹ cao như tranh, hộp đựng bút, túi xách.

Tái chế các phế phẩm như vỏ bắp, bã mía, vỏ trứng... để tạo nên những sản phẩm hữu ích, có tính thẩm mỹ cao như tranh, hộp đựng bút, túi xách.

Ngoài ra, dự án "Sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp từ lá bàng và hạt bưởi" của Thảo cũng là một trong những điểm sáng. Dự án giúp cung cấp các sản phẩm an toàn và hiệu quả cho người tiêu dùng, đồng thời tận dụng nguồn nguyên liệu địa phương chưa được khai thác đầy đủ.

Nói về niềm đam mê nghiên cứu, tái chế rác thải, Ngô Gia Thảo cho biết: “Tôiđang tập trung vào chuyên ngành đang theo học, song song đó vẫn tiếp tục nghiên cứu và phát triển các dự án. Đồng thời hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn trẻ có cùng niềm đam mê sáng tạo để bảo vệ môi trường.

Về sau, khi đã trở thành một giáo viên, tôi mong muốn không chỉ truyền đạt những kiến thức học thuật, mà sẽ hướng thế hệ sau này quan tâm nhiều hơn đến môi trường và truyền cảm hứng để các em thực hiện những dự án xã hội nhiều hơn nữa”.

Các sản phẩm tái chế của Ngô Gia Thảo được đánh giá cao.

Các sản phẩm tái chế của Ngô Gia Thảo được đánh giá cao.

Với mỗi dự án, Gia Thảo không chỉ đem lại giá trị thực tế mà còn thể hiện tinh thần sáng tạo và trách nhiệm xã hội của mình. Tuy gia cảnh còn gặp nhiều khó khăn, mẹ thường xuyên đau ốm, Gia Thảo vẫn cảm thấy bản thân em còn may mắn hơn nhiều bạn bè đồng trang lứa. Vì vậy những nỗ lực của em từ những năm phổ thông không chỉ thỏa mãn đam mê mà còn phụ giúp cho gia đình.

Điều này đã giúp Thảo tạo ấn tượng trong cuộc thi, được công nhận và đánh giá cao về đóng góp của mình cho sự phát triển bền vững của xã hội.

Những dự án và hoạt động của Ngô Gia Thảo không chỉ đặt vào vị trí một sinh viên xuất sắc mà còn là một người gắn kết với môi trường và xã hội. Bằng nỗ lực và sự quyết tâm dù vẫn còn trẻ tuổi, Thảo đã chứng minh rằng sự sáng tạo và lý tưởng bảo vệ môi trường có thể biến những vật liệu phế thải trở thành những tác phẩm có giá trị. 

Trịnh Trang
Bình luận
vtcnews.vn