Rác nhựa đang đe dọa hành tinh, cha mẹ cần giáo dục trẻ ý thức thế nào?

Chuyển đổi xanhThứ Hai, 04/12/2023 17:13:13 +07:00
(VTC News) -

Một trong những cách quan trọng để giảm rác thải nhựa chính là cha mẹ cần sớm giáo dục ý thức về việc sử dụng và thải bỏ đồ nhựa cho trẻ em ngay từ khi còn nhỏ.

Theo báo cáo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WWF, có thể đã có khoảng 86-150 triệu tấn nhựa đã tích tụ trong các đại dương cho đến nay. Và có tổng cộng khoảng 2.141 loài sinh vật biển đã tiếp xúc với ô nhiễm nhựa trong môi trường sống tự nhiên. Phần lớn các tiếp xúc này đều do nuốt phải, bị vướng vào hoặc ngạt thở, với hơn 738 loài được cho là đã sử dụng nhựa làm phương tiện để di chuyển sang các khu vực mới.

Môi trường sống của con người và mọi sinh vật trên trái đất đều đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi rác thải nhựa. Do vậy, tất cả chúng ta cần phải hợp sức cùng nhau để giảm ô nhiễm nhựa và giữ cho hành tinh trở thành một nơi sạch sẽ, an toàn để sống. 

Có rất nhiều việc nhỏ chúng ta có thể làm để tạo nên sự khác biệt lớn, bắt đầu bằng việc giáo dục ý thức cho trẻ em. Dạy về tính bền vững cho trẻ em sẽ trang bị cho chúng những kiến thức và giá trị cần thiết để trở thành người có trách nhiệm. 

(Ảnh: Freepik)

(Ảnh: Freepik)

Việc rèn luyện sớm các thói quen thân thiện với môi trường và các nguyên tắc bền vững sẽ nuôi dưỡng ý thức bẩm sinh về trách nhiệm với môi trường, điều này sẽ tác động mạnh mẽ đến các lựa chọn và hành vi của trẻ khi lớn lên. 

Bằng cách hiểu được tác động của hành động của mình đối với sức khỏe Trái đất, trẻ em phát triển thói quen bảo tồn tài nguyên, giảm chất thải và giảm thiểu tác hại của ô nhiễm nhựa là điều cực kỳ quan trọng. 

Việc giáo dục trẻ em về tính bền vững sẽ đảm bảo một tương lai tươi sáng hơn, nơi chúng có thể đóng góp vào một môi trường lành mạnh hơn và lối sống bền vững hơn cho các thế hệ mai sau.

‍Dưới đây là một số thói quen tốt mà các bậc cha mẹ có thể dạy con mình xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa.

(Ảnh: Freepik)

(Ảnh: Freepik)

Tiêu dùng có ý thức: Khuyến khích trẻ suy nghĩ kỹ trước khi mua hàng. Thảo luận về sự khác biệt giữa nhu cầu và mong muốn cũng như tác động của những lựa chọn của bản thân đối với môi trường. Cái gì nên mua và cái gì không nên mua, sản phẩm nào có thể sử dụng lâu dài, sản phẩm nào có thể gây hại cho môi trường khi loại bỏ, từ đó tạo thói quen tốt cho trẻ khi lựa chọn mua sắm.

Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế: Dạy cho trẻ tầm quan trọng của việc giảm rác thải bằng cách sử dụng các vật dụng nhiều lần, tái sử dụng các vật dụng khi có thể và thu gom để có thể tái chế các vật liệu như giấy, nhựa và thủy tinh.

Giảm đồ nhựa dùng 1t lần: Dạy trẻ nói không với nhựa dùng một lần như ống hút nhựa, túi nylon và các sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Thay vào đó, hãy chọn những sản phẩm thay thế có thể sử dụng được nhiều lần hơn, ví dụ như mang hộp cơm thay cho mua đồ ăn sẵn có sử dụng hộp nhựa 1 lần, hoặc dùng túi vải đựng đồ thay cho túi nylon chỉ dùng 1 lần.

(Ảnh: Freepik)

(Ảnh: Freepik)

Giữ lại tất cả các túi đồ sau sự kiện: Tất cả các túi vải từ các sự kiện, túi đi biển cũ hay túi nylon ngẫu nhiên mà trẻ có được sau các sự kiện hoặc đợt mua sắm đều có thể được tái sử dụng khi đi mua hàng cho những lần tiếp theo. Để ở nơi dễ nhìn và liên tục sử dụng cho mỗi lần đi mua sắm, cần đựng đồ.

Bỏ thói quen dùng chai nhựa dùng 1 lần: Thay vào đó, hãy đổi chúng lấy chai nước bằng chất liệu inox hoặc thủy tinh có thể tái sử dụng, chuẩn bị sẵn cho trẻ loại bình đựng nước có thể dùng nhiều lần. 

Sử dụng hộp cơm: Khi trẻ ra ngoài chơi hoặc đi học, có thể mang theo hộp cơm thay vì mua đồ ăn sẵn đựng trong các túi/hộp nhựa dùng 1 lần.

Không dùng hộp đựng nhựa dùng 1 lần: Bạn có thể hướng dẫn trẻ sử dụng lọ thủy tinh hoặc kim loại trong các sinh hoạt hàng ngày thay vì dùng đồ nhựa được thiết kế để sử dụng 1 lần vốn không hợp vệ sinh và tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe.

Mua những món đồ đã qua sử dụng: Nếu bạn cần một chiếc xích đu hoặc ghế ăn cho bé, những đồ vật sử dụng trong ngắn hạn, hãy thử tìm mua lại đồ đã qua sử dụng của người quen hay bạn bè, vì những món hàng này chỉ dùng trong ngắn hạn và sẽ sớm bị bỏ đi, gây lãng phí tiền và xả thải không cần thiết.

Thay đổi ống hút: Nếu bạn đang đi ăn ở nhà hàng, hãy yêu cầu họ bỏ ống hút nhựa, có thể uống trực tiếp vào cốc. Và nếu con bạn thích sử dụng ống hút ở nhà, hãy mua ống hút bằng inox, thủy tinh, từ thực vật và có thể rửa để tái sử dụng.

Sử dụng dụng cụ ăn uống chất lượng tốt: Hãy đảm bảo rằng con bạn có đũa, thìa, nĩa và dao có thể tái sử dụng trong hộp đựng đồ ăn để trẻ không phải sử dụng sản phẩm bằng nhựa 1 lần.

Đưa ra những lựa chọn giảm thiểu rác thải nhựa: Ví dụ như khi bạn ra ngoài ăn kem, hãy chọn một chiếc kem ốc quế thay vì kem đựng trong hộp nhựa hoặc túi nylon. Không dùng thìa nhựa để ăn kem, sữa chua... cũng là cách giúp giảm sử dụng đồ nhựa.

(Ảnh: Freepik)

(Ảnh: Freepik)

Dạy trẻ tránh dùng túi nylon: Hãy chắc chắn rằng bạn và gia đình đang thường xuyên mang theo những chiếc túi có thể tái sử dụng trong chuyến đi tới các cửa hàng hoặc ra ngoài. Khi cần mua đồ, bạn đã có sẵn túi đựng mà không phải dùng túi nylon.

Ăn trái cây thay thế đồ ăn sẵn khi có thể: Đây là thói quen không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn có tác dụng giảm đồ nhựa đáng kể. Thay vì đồ ăn vặt chế biến sẵn luôn luôn được đựng bởi túi nylon hoặc hộp nhựa, ăn trái cây giúp bạn no một cách lành mạnh và không cần xả ra thêm bao bì nhựa. Chuyển bữa ăn nhẹ sang trái cây có nghĩa là bạn sẽ chăm sóc cơ thể cũng như môi trường tốt hơn.

Mua hàng số lượng lớn hơn: Khi mua thực phẩm, đồ dùng, việc mua ít/gói nhỏ thường cần nhiều bao bì nhựa hơn là mua nhiều cùng một lúc. Khuyến khích gia đình bạn mua đồ ăn nhẹ, ngũ cốc và mì ống hay những món hàng từ siêu thị hoặc cửa hàng với số lượng lớn hơn, sau đó bảo quản trong lọ thủy tinh/hộp tái sử dụng được có thể giúp giảm nhiều số lượng túi nylon và vỏ hộp nhựa.

Không bao giờ xả rác bừa bãi: Đôi khi con bạn phải sử dụng nhựa - và điều đó không sao cả. Nhưng bạn phải luôn dạy trẻ tái sử dụng và tái chế bất cứ khi nào có thể và đừng bao giờ vứt đồ nhựa, túi nylon bừa bãi ra môi trường. Rác thải còn sót lại trên mặt đất thường sẽ trôi dạt vào ao, sông, cuối cùng trôi ra đại dương.

Hãy hướng dẫn trẻ nhặt rác: Khi đi cùng trẻ ra ngoài chơi, nếu nhìn thấy rác nhựa, bạn hãy hướng dẫn trẻ thu gom chúng để đúng vào nơi quy định. Hãy giúp cho thế giới tự nhiên sạch sẽ bằng cách nhặt rác bất kỳ khi nào có thể và chú ý hướng dẫn trẻ thực hiện việc chú ý an toàn khi thu gom rác.

Đừng nghĩ việc nhỏ mà không dạy trẻ làm: Ngay cả những thay đổi nhỏ nhất cũng có thể tạo ra tác động lớn nhất. Tất cả đều bắt đầu ở nhà và trẻ học hỏi khi bạn làm gương cho chúng. Đặt mục tiêu thực hiện một thay đổi mỗi tháng và nhiệm vụ sẽ không quá nặng nề. 

(Ảnh: Freepik)

(Ảnh: Freepik)

‍Trẻ em thường học bằng cách quan sát hành vi của người lớn xung quanh. Hãy làm gương cho những thói quen bền vững trong cuộc sống hàng ngày của bạn để củng cố sự hiểu biết của trẻ.

Hãy nhớ rằng việc giảng dạy về lối sống tiêu dùng xanh bền vững là một quá trình liên tục. Sử dụng ngôn ngữ và hoạt động phù hợp với lứa tuổi của trẻ để làm cho các khái niệm trở nên hấp dẫn và dễ hiểu đối với con bạn. Biến nó thành một trải nghiệm thú vị và tích cực có thể sẽ truyền cảm hứng cho trẻ thực hiện những thói quen này khi trưởng thành.

Bảo Châu
Bình luận
vtcnews.vn