Tác dụng của cây xạ đen với sức khoẻ
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội cho biết, xạ đen tên khoa học là Celastrus hindsii Benth, được biết đến với các tên khác như bạch vạn hoa, cây bách giải, cây dây gối.
Đây là loại cây dây leo có thân gỗ, bám vào các cây lớn khi mọc hoang, còn khi được trồng thì cành sẽ bám đan xen với nhau tạo thành từng búi. Ở nước ta, cây xạ đen mọc hoang nhiều ở khu rừng vùng đồi núi phía Bắc như Ninh Bình, Hòa Bình.
Trong Đông y, xạ đen vị đắng chát, tính hàn, tác dụng thông kinh, lợi tiểu, chữa ung nhọt, lở loét, tiêu viêm, mát gan mật, giảm tiết dịch và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Từ những công dụng tuyệt vời đó mà xạ đen được nhiều người tin tưởng và sử dụng.
Dưới đây là những tác dụng của cây xạ đen với sức khoẻ:
- Hỗ trợ điều trị u bướu
Trong xạ đen chứa 2 hợp chất fanavolnoid và quinon, tác dụng hóa lỏng các tế bào loạn phát. Hai dược chất giúp làm chậm sự phát triển các khối u khi mới hình thành. Một số nghiên cứu khoa học chứng minh tác dụng phòng ngừa và hỗ trợ điều trị u bướu. Mặc dù vậy, mọi thứ vẫn chỉ nằm ở giai đoạn nghiên cứu.
- Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp
Xạ đen tác dụng hỗ trợ điều hòa huyết áp không ổn định. Sử dụng xạ đen trong hỗ trợ điều trị tăng huyết áp cũng rất đơn giản. Chỉ cần đun lá cây xạ đen với nước uống mỗi ngày, hoặc pha trà uống hàng ngày.
- Hỗ trợ trị máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ
Sử dụng xạ đen tốt cho người bệnh máu nhiễm mỡ được minh chứng từ công trình nghiên cứu của Học Viện Quân y. Sử dụng nước đun sắc từ cây thuốc nam này mỗi ngày, tình trạng máu nhiễm mỡ hay mỡ có trong gan được cải thiện khá tốt.
- Cải thiện giấc ngủ, trị suy nhược thần kinh
Cây xạ đen vị hơi chát, đắng, tính hàn tốt với người bị mất ngủ thường xuyên do suy nhược thần kinh hoặc thiếu máu (dạng âm hư hỏa vượng theo đông y). Ngoài ra xạ đen giúp tăng cường tuần hoàn máu não, điều trị chứng hoa mắt chóng mặt.
Những người không nên uống nước xạ đen
Theo bác sĩ Hoàng Sầm, Viện Y học Bản địa Việt Nam, xạ đen là cây thuốc quý, trước đây mọc dại. Sau này, cây xạ đen được người dân trồng nhiều ở vườn để uống thay trà. Tại một số vùng, người dân trồng xạ đen lấy lá, thân bán làm thuốc nam. Lá xạ đen thu hoạch tốt nhất từ tháng 10.
Xạ đen được biết đến với tác dụng chữa bệnh về gan. Tại Hòa Bình, người dân tộc Mường từ lâu đã nấu nước xạ đen cho người có biểu hiện da vàng, chướng bụng uống.
Sau này, xạ đen còn được dùng làm thuốc chữa dị ứng, trị mụn nhọt, cầm máu vết thương, giảm mỡ máu, tăng huyết áp, chữa các trường hợp gầy mòn, rối loạn tiêu hóa, giúp ăn ngon, mát huyết, thông kinh lợi niệu. Chữa kinh không đều, bế kinh, trị mất ngủ, vàng da, chữa chứng vô sinh.
Xạ đen lành tính, ít tác dụng phụ nên nhóm người sử dụng rộng, gồm cả người mắc ung thư kể cả giai đoạn cuối, tăng huyết áp, men gan tăng, viêm gan B, các u lành tính như u xơ tử cung, u xơ tuyến vú.
Người dân có thể nấu lá xạ đen còn tươi lấy nước uống hoặc phơi khô pha như trà.
Do xạ đen tác dụng hạ huyết áp nên người huyết áp thấp không nên dùng. Lá xạ đen có tính thải độc tố nên thận sẽ phải hoạt động nhiều nên người yếu thận, suy thận hạn chế sử dụng loại thảo dược này. Ngoài ra, phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi cũng nên tránh.
Bình luận