BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cơ sở 3 cho biết, theo nghiên cứu, hạt lạc chứa 3-5% nước, 20-30% chất đạm, 40-50% chất béo, 20% chất bột và 2-4% chất vô cơ. Nhân lạc chứa dầu lạc, gồm các glycerid của acid béo no và không no như acid oleic, acid linoleic, acid palmitic, acid stearic, và acid hexaconic.
Hạt lạc rất giàu dinh dưỡng, cung cấp hơn 30 chất thiết yếu, gồm niacin, folate, chất xơ, vitamin E, magie và phốt pho. Đặc biệt, lạc chứa resveratrol, chất chống oxy hóa mạnh, giúp tăng cholesterol tốt HDL, cải thiện tuần hoàn máu và làm da hồng hào.
Trong Đông y, các bộ phận của cây lạc như thân, cành, lá, củ, nhân và màng bọc ngoài của nhân, dầu lạc đều là vị thuốc. Hạt lạc vị ngọt, bùi, béo, tác dụng bổ tỳ, dưỡng vị, nhuận phế, lợi tràng, tiêu đờm, điều hòa huyết khí, tiêu sưng, cầm máu, lợi tiểu, tăng tiết sữa, mát họng, giảm cholesterol và chống lão hóa.
Lạc dùng để chữa suy nhược, lao lực, đau bụng, đau bụng kinh. Thân và lá cây lạc chữa bệnh trướng khí ruột kết. Tuy nhiên, người hàn thấp đình trệ và tiêu chảy cần kiêng lạc.
Nghiên cứu hiện đại cho thấy nhân lạc tăng lực, bổ cơ thể, hạ huyết áp, giảm mỡ máu và cầm máu. Vỏ mỏng ngoài nhân lạc cầm máu, chữa xuất huyết và kích thích tủy tạo tiểu cầu. Vỏ cứng ngoài nhân lạc hạ huyết áp và giảm mỡ máu. Cành, lá cây lạc ngoài hạ huyết áp và giảm mỡ máu, còn an thần, chống mất ngủ.
Các bài thuốc đông y từ cây lạc
Chữa ho nhiều đờm: Nhân lạc 30 g, nấu chín nhừ rồi trộn lẫn 30 g mật ong, ngày ăn 2 lần sẽ khỏi.
Chữa ho lâu ngày không khỏi:Nhân lạc cộng với táo tàu, mật ong, mỗi thứ lấy 30 g sắc lấy nước uống, uống 2 lần/ ngày.
Chữa ho lâu ngày, đờm ít:Nhân lạc 15 g, hạnh nhân ngọt 15 g rồi giã nát. Lấy mỗi lần 10 g trộn với một ít mật ong, hoà lẫn nước sôi rồi ăn.
Chữa viêm khí quản mạn tính:Mỗi ngày ăn 30 g lạc vào buổi sáng và buổi tối.
Trị bệnh nói khàn:Nấu 60 - 100 g lạc rồi ăn (để cả vỏ bọc ngoài nhân hạt đậu). Ngày ăn 1 lần, nếu ăn cùng mật ong thì hiệu quả tốt hơn.
Chữa bệnh cao huyết áp, cao mỡ máu:Nhân lạc để cả vỏ bọc rồi ngâm trong dấm, sau đó bọc kín miệng lọ. Sau một tuần bỏ đậu ngâm ra ăn, mỗi lần ăn 10 hạt, ngày ăn 2 lần.
Hoặc lấy 125 g vỏ cứng củ lạc (có thể nghiền vụn ra), nấu lấy nước uống, mỗi lần 10 g, ngày uống 3 lần.
Lá lạc, thân cây lạc non mỗi thứ 30 g, sắc lấy nước uống, ngày 1 thang.
Chữa bệnh thiếu máu: Nhân lạc 100 g, táo tầu, đường đỏ mỗi thứ 50 g, nấu nhừ lên, ngày ăn 1 lần.
Nhân lạc, đậu đỏ, đậu xanh, mỗi thứ 30 g, đường đỏ, đường trắng, dường phèn mỗi thứ 10 g rồi nấu nhừ lên, ngày ăn 1 lần.
Nhân lạc, hạt sen đã bỏ vỏ và tâm sen mỗi thứ 30 g, cẩu khởi 15 g; táo tầu 9 quả, một ít đường đỏ rồi cho 300ml nước vào nấu cách thuỷ cho nhừ, ngày ăn 1 - 2 lần
Chữa bạch cầu giảm: Màng mỏng bọc nhân lạc 10g, táo tàu 10 quả, nấu ăn.
Nhân lạc, ý dĩ nhân (hạt bo bo), đậu đỏ loại nhỏ hạt, táo tàu, mỗi thứ 30g, nấu ăn, ngày 1 lần.
Chữa loét dạ dày và hành tá tràng: Lạc nhân 100 g nấu lẫn với thịt lợn hoặc trứng gà để ăn. Cũng có thể uống 2 thìa dầu lạc đã nấu vào buổi sáng, sau nửa gìơ thì bắt đầu ăn sáng. Dùng như vậy trong 1 - 2 tuần liên tục là thấy có kết quả.
Chữa đi tiểu ra máu do vận động nhiều:Lạc nhân, hạt sen đã bỏ vỏ cứng và tâm sen mỗi thứ 30 g. Nấu sôi xong cho lửa nhỏ hầm thật nhừ, sau đó cho 1 thìa đường vào đun tiếp, một lúc sau đem ăn, 2 ngày ăn một lần.
Vỏ bọc ngoài nhân lạc khoảng ½ chén nhỏ, đem rang khô rồi nghiền vụn, hoà nước uống mỗi ngày 1 - 2 lần.
Chữa viêm mũi:Lạc nhân 30 g nấu chín, cho thêm ít đường phèn rồi ăn hết trong ngày.
Chữa đau khớp:Rễ cây lạc 60 g, nấu với một ít thịt lợn nạc thật nhừ rồi ăn.
Chữa phù chân: Lấy nhân lạc (để cả màng vỏ), trần bì, tỏi nấu chín thành canh ăn rất tốt.
Chữa di tinh:Vỏ bọc ngoài nhân lạc 6 g, nấu lấy nước uống mỗi ngày 2 lần.
Chữa viêm thận mạn tính:Dùng nhân lạc, đậu tằm rang với đường đỏ để ăn, hoặc nhân đậu phộng sắc với hồng táo để uống.
Chữa thần kinh suy nhược, mất ngủ:Dùng lá lạc (có thể kèm cả cành) tươi 100g hoặc 40g cành lá khô, cho vào nồi, đổ ngập nước, đặt lên bếp đun sôi, sau đó đun nhỏ lửa thêm 10 phút nữa là được. Nước chắt ra chia thành 2 lần uống vào buổi sáng và buổi tối.
Bệnh viện Liêu Ninh (Trung Quốc) đã thử nghiệm dùng bài thuốc này để điều trị mất ngủ, kết qủa cho thấy sau khi dùng thuốc 4-7 ngày, ở đại bộ phận bệnh nhân, giấc ngủ đều được cải thiện ở mức độ nhất định. Thuốc còn có tác dụng điều hòa huyết áp và hàm lượng cholesterol trong huyết thanh máu.
Chữa suy dinh dưỡng gây phù nề: Lấy nhân lạc hầm với cá trắm và rượu để ăn.
Chữa thiếu sữa, sản phụ táo bón: Lấy nhân lạc hầm với chân giò lợn ăn.
Khi sử dụng lạc cần chú ý một số vấn đề, dùng quá liều có thể gây tiêu chảy, hoặc khiến mắt, miệng, hoặc mũi bị khô. Người vốn nhuận tràng, đại tiện lỏng do hàn thấp ứ trệ, không nên dùng độc vị (cần phối hợp với một số vị thuốc khác). Ngoài ra, lạc bị mốc dễ gây ung thư gan, cũng không được dùng.
Các bài thuốc trên mang tính chất tham khảo, khi có bệnh nên đến bác sĩ thăm khám để được hướng dẫn sử dụng lạc đúng cách.
Bình luận