Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Đảng bộ Hà Nội mới đây đã đề xuất phương án, đưa ra lộ trình cụ thể kế hoạch hạn chế phương tiện cá nhân, định hướng đến năm 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy trong nội đô.
Thông tin này ngay lập tức thu hút sự chú ý từ dư luận, các nhà quản lý, nhà khoa học và đặc biệt là người dân thủ đô.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hội thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên chủ tịch tỉnh Đắk Lắk, người tâm huyết với việc giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông ở Thủ đô đã chia sẻ với VTC News về vấn đề này.
Ông Lạng cho biết, đã nhiều lần làm đề xuất các giải pháp để giải quyết các vấn đề nhức nhối của Hà Nội. Hồi tháng 2/2016, ông từng gửi thư lên lãnh đạo thành phố để đưa ra các ý kiến nhằm cải thiện môi trường và giao thông của Thủ đô.
“Bước đầu chắc chắn sẽ có phản đối, nhưng quyết liệt thực hiện thì dần mọi người sẽ thay đổi tư duy và nếp nghĩ. Hiện người dân đã quá quen và phụ thuộc vào xe máy, chỉ một đoạn đường năm bảy trăm mét cũng dùng xe máy. Thói quen phụ thuộc vào xe máy là một nếp sinh hoạt sai”, ông Lạng nhận xét về thông tin cấm xe máy trong nội đô.
Tến sỹ Lạng khẳng định: “Ở Hà Nội và TP.HCM, nếu người dân vẫn cứ chạy xe máy thì không bao giờ giải quyết được bài toán ùn tắc giao thông. Việc để xe máy lưu thông trong nội thành là một sai lầm, và sai lầm đó đã dẫn đến hệ lụy khó giải quyết là vấn nạn ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường như hiện tại."
“Một thành phố có gần 5-7 triệu chiếc xe máy, thậm chí lên đến 10 triệu chiếc thì dù có mở rộng đường cũng không thể đáp ứng được. Kế đến là vấn đề ô nhiễm từ khí thải. Mặc dù chính phủ đưa ra các vấn đề giải quyết ô nhiễm như sử dụng xăng sinh học thì cũng không giải quyết được bài toán một cách triệt để” - ông Lạng dẫn chứng.
Tiến sỹ Lạng đánh giá: "Đáng lý phải tạo thói quen đi bộ là chính. Nói đến đi bộ thì cũng nói đến hè phố, lề đường. Ở các nước trên thế giới vì lề đường sạch sẽ, trống trải nên càng thuận tiện cho việc đi lại hơn, còn ở nước chúng ta xe máy nhiều nên lấn chiếm lề đường để làm bãi gửi xe, đậu xe máy trước các của hàng…làm mất đi lề đường vốn dành cho việc đi bộ."
Theo tiến sỹ Nguyễn Văn Lạng, việc cấm xe máy ở Hà Nội là cần thiết, song việc quan trọng hơn là phải xây dựng lộ trình cụ thể, tìm kiếm và triển khai phương tiện thay thế kịp thời và đủ đáp ứng được nhu cầu của người dân để tránh xáo trộn cuộc sống, công việc của nhân dân.
Ông Lạng cho rằng, Hà Nội có thể làm theo nguyên lý "vết dầu loang", tức là trước mắt chọn một vài phường ở trung tâm thành phố có điều kiện, phù hợp để thực hiện việc cấm xe máy.
"Sau đó, khả thi sẽ mở rộng dần ra các khu vực lân cận. Việc thực hiện phải làm từ từ, từng bước để dần dần thay đổi nếp sống, suy nghĩ và thói quen sinh hoạt của người dân. Khi họ đã quen rồi, thấy việc thay đổi là tích cực thì sẽ tự khắc nhân rộng mô hình. Khi đó, triển khai đến các phường, quận khác cũng sẽ được người dân ủng hộ." - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hiến kế.
Cũng theo ông Lạng, trước khi thực hiện, chính quyền cần thông báo trước một khoảng thời gian, tuyên truyền phổ biến chính sách cho người dân hiểu, đồng thuận rồi mới thực hiện. Ngoài việc tìm ra phương tiện giao thông khác thay thế, công tác xây dựng bãi giữ xe quanh khu vực cấm xe, cũng như tăng cường các phương tiện di chuyển khác như xe buýt, xe điện, taxi, sau này là tàu điện ngầm... sắp đặt các vấn đề về cơ sở hạ tầng, bên cạnh đó, ưu đãi cho các doanh nghiệp trong khu vực cấm xe máy cũng cần phải đặc biệt lưu ý.
Video: Vì sao Hà Nội tắc đường kinh hoàng
Bình luận