• Zalo

Một tháng sau phán quyết của Tòa trọng tài, Biển Đông đã có thay đổi gì?

Thế giớiThứ Sáu, 12/08/2016 11:11:00 +07:00Google News

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, nguyên Đại sứ Việt Nam tại 5 nước, phân tích về những thay đổi trên Biển Đông sau đúng một tháng kể từ khi Toà trọng tài ra phán quyết về Biển Đông vào ngày 12/7.

Một tháng sau phán quyết của PCA, phản ứng của hầu hết các bên liên quan không quá khích, đều hướng tới việc kêu gọi Trung Quốc tôn trọng các phán quyết ngày 12/7.

Philippines: Thận trọng vẫn bị tính sổ ở tiểu tiết

Philippines – nguyên đơn trong vụ kiện Trung Quốc tại Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) liên quan Biển Đông - về mặt chính thức đã phản ứng một cách thận trọng để không làm hỏng cơ hội của chính quyền mới bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.

Nhưng Tổng thống Rodrigo Duterte phải sẽ vượt qua những trở ngại lớn về nội bộ nếu muốn thực hiện được những dự án thực chất trong quan hệ với Trung Quốc.

Đường 9 đoạn Bắc Kinh đơn phương vạch ra một cách phi lý ở Biển Đông, đã bị Tòa trọng tài bác bỏ

Đường 9 đoạn Bắc Kinh đơn phương vạch ra một cách phi lý ở Biển Đông, bị Tòa trọng tài bác bỏ

Có thể thấy được sự thận trọng này qua hoạt động đầu tiên của cựu Tổng thống Fidel Ramos, người được cử làm Đặc phái viên của Tổng thống Rodrigo Duterte, nhằm “phá băng” mối quan hệ với Trung Quốc đã trở nên căng thẳng trong vòng 3 năm qua.

Ông Ramos đã không đến thẳng Bắc Kinh mà đến Hong Kong chơi golf, tiếp xúc với với người quen cũ hoặc những người có mối liên hệ với giới quyết sách ở Bắc Kinh nhằm thăm dò khả năng giải quyết các vấn đề mà chính quyền Philippines quan tâm.

Bắc Kinh hoan nghênh ông Ramos đóng vai trò trung gian hòa giải. Các nhà hoặch định chính sách tại Bắc Kinh sẽ sử dụng triệt để các quan hệ mới với Manila để làm “loạn” thế trận của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.

nguyen ngoc truong

TS. Nguyễn Ngọc Trường, nguyên Đại sứ Việt Nam ở 5 quốc gia

Nhưng điều thiết thực là họ muốn tạo điểm đột phá trong vấn đề Biển Đông, tạo tiền lệ “gác tranh chấp cùng khai thác” được ông Đặng Tiểu Bình đề ra từ mấy chục năm trước mà chưa có bất kỳ tiến triển nào.

Nhưng vào lúc quan hệ hai nước vẫn chưa cải thiện được, Bắc Kinh vẫn tính sổ Philippines ở cả những chi tiết nhỏ nhất.

Người đẹp Philippines đã bị khước từ tham gia cuộc thi “Miss Bikini Universe 2016” tổ chức tại Thâm Quyến vì nước này đã làm mất mặt Trung Quốc với vụ kiện quốc tế về Biển Đông, cũng như Nhật Bản bị khước từ vì xung đột tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, Hàn Quốc thì vì đã để Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD.

Trung Quốc gây kịch tính

Dù Trung Quốc không muốn thì việc một tòa án quốc tế có thẩm quyền về luật biển thẳng thừng bác bỏ tính hợp pháp của tuyên bố “vùng biển lịch sử” và đường 9 đoạn cũng gây bất ngờ lớn và bất lợi lớn cho Bắc Kinh và buộc Trung Quốc phải tính toán đường đi nước bước cho phù hợp với tình hình mới.

 
Một tháng sau phán quyết của PCA, phản ứng của hầu hết các bên liên quan không quá khích, đều hướng tới việc kêu gọi Trung Quốc tôn trọng các phán quyết.

TS. Nguyễn Ngọc Trường

Giới quan sát lưu ý rằng trong một tháng qua, những tuyên bố như “đinh đóng cột” trước đây về hai điểm mấu chốt nêu trên dường như đã không còn xuất hiện trong các tuyên bố chính thức của Bắc Kinh.

Một tháng sau phán quyết của PCA, phản ứng của hầu hết các bên liên quan không quá khích, đều hướng tới việc kêu gọi Trung Quốc tôn trọng các phán quyết ngày 12/7.

Trung Quốc là nước duy nhất có nhiều hành động gây kịch tính. Hải quânTrung Quốc tiến hành những cuộc tập trận quân sự trên quy mô lớn, trong đó có cuộc tập trận ở phía bắc Biển Đông từ ngày 19 đến 21/7 nhằm triển khai học thuyết quân sự “đánh thắng chiến tranh cục bộ được tin học hóa”có tới 4 thượng tướng tham dự.

Cuộc tập trận này không chỉ nhằm gây sức ép tâm lý lên các nước liên quan Biển Đông, mà còn răn đe chính quyền mới tại Đài Loan của bà Thái Anh Văn chớ theo đuổi ý định cho Mỹ thuê đảo Ba Bình làm căn cứ hậu cần như tin tức được tiết lộ hồi đầu tháng 7.

Trung Quốc tiếp tục gia cố sự hiện diện trên Biển Đông. Một số bức ảnh chụp vệ tinh hồi cuối tháng 7 vừa qua cho thấy Trung Quốc đã xây dựng các nhà để máy bay kiên cố tại một số hòn đảo đang tranh chấp ở Biển Đông. Các nhà để máy bay có thể chứa được hàng trăm máy bay chiến đấu.

Video Tòa trọng tài bác bỏ 'đường lưỡi bò' trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông

Để đánh lạc hướng sự chú ý Biển Đông, mới đây Trung Quốc cử 15 tàu hải cảnh hộ tống khoảng 230 tàu cá tiến vào hoạt động ở vùng biển tiếp giáp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Số lượng lớn tàu thuyền như vậy rõ ràng để phô trương thanh thế, vừa làm nóng lại cuộc tranh chấp với Nhật Bản trên biển Hoa Đông, vừa trang trải với dư luận trong nước.

Đồng thời sự kiện Senkaku/Điếu Ngư cho thấy tranh chấp nguồn cá đã lộ diện thành nội dung mớitrong các xung đột tại các vùng biển giáp Trung Quốc.

Hải sản cạn kiệt, xung đột gia tăng

Kinh tế biển đóng vai trò rất quan trọng đối với Trung Quốc. Năm 2013, nghề cá mang lại cho nền kinh tế nước này 289 tỷ USD và tạo ra 14,5 triệu việc làm.

tau-ca-trung-quoc-2232

Tàu cá Trung Quốc ồ ạt khai thác ở Biển Đông - Ảnh minh họa

Nhưng một báo cáo của cơ quan nghiên cứu Trung Quốc cho biết biển Bột Hải và Hoàng Hải ở đông bắc Trung Quốc đã bị đánh cá cạn kiệt; và đề xuất chủ trương đẩy mạnh đánh bắt cá ở biển Hoa Đông và Nam Hải (Biển Đông).

Ngành kinh tế biển phải thực hiện được kế hoạch 5 năm lần thứ 13 bắt đầu từ 2016: đạt sản lượng 73 triệu tấn cá hàng năm vào năm 2020 và 77 triệu tấn vào năm 2024, tăng xuất khẩu lên 5,4 triệu tấn vào năm 2024. Và các lực lượng quân sự và bán quân sự của Trung Quốc phải phục vụ thực hiện các mục tiêu kinh tế biển.

Trong một bản đồ cá do Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO) công bố hồi đầu năm nay, tại phía bắc (giáp Trung Quốc) và phía tây (giáp Việt Nam) các nguồn cá cũng đã bị đánh bắt cạn kiệt, trong khi các ngư trường phía nam và đông nam (giáp Indonesia, Philippines, Malaysia) vẫn còn khá nhiều tiềm năng.

Nhiều cuộc đụng độ giữa tàu cá Trung Quốc với tàu hải giám Indonesia trong những tháng đầu năm báo hiệu cuộc xung đột sẽ được Trung Quốc triển khai trên các hướng mới.

Indonesia đã gửi đến Bắc Kinh một thông điệp mạnh.Tổng thống Indonesia Jokowi ngày 23/6 đã ra thăm đảo Natuna và tiến hành một cuộc họp nội các hẹp ngay trên chiến hạm Imam Bonjol – con tàu vừa tham gia bắt giữ tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Indonesia.

Ông Jokowi chỉ đạo quân đội tăng cường hệ thống phòng thủ hải – không quân ở quần đảo này nhằm đối phó với việc Trung Quốc xâm nhập đánh bắt cá.

Trong những cuộc tranh chấp sắp tới, dân quân biển của Trung Quốc sẽ là lực lượng xung kích của “chiến tranh nhân dân”. Tỉnh Hải Nam đã đặt đóng 84 thuyền lớn cung cấp cho các dân quân biển.  7 đảo nhân tạo ở Trường Sa là cứ điểm để Trung Quốc tăng cường hiện diện ở phía nam và đông nam Biển Đông.

Các bên liên quan Biển Đông đang theo dõi sát tình hình Biển Đông, cảnh giác trước các hành động dương đông kích tây của Trung Quốc. Phán quyết của PCA đã đưa cuộc tranh chấp Biển Đông vào trạng thái mới, với thượng tôn pháp luật trở thành nội dung quan trọng.

TS. Nguyễn Ngọc Trường
Bình luận
vtcnews.vn