Tôi thấy nhiều người chê bai, chửi bới thậm tệ loại quảng cáo nước tăng lực gắn liền với câu nói: "Mình uống đi cho khỏe". Tôi thì lại cho rằng đó là sự sáng tạo của nhà sản xuất vì mục tiêu cuối cùng của quảng cáo nhắm đến là gì? Đó là được nhiều người biết và nhớ đến. Ở khía cạnh này, chẳng phải nhà sản xuất đã làm quá tốt hay sao?
Trong đoạn quảng cáo dài hơn 30 giây, câu nói: “Mình uống đi cho khỏe” được minh họa cho sản phẩm với dụng ý gần gũi nhưng lại khơi gợi hài hước, tạo hiệu ứng của người tiếp nhận. Khi hiểu theo cách đơn giản thì uống một lon nước tăng lực người ta sẽ khỏe mạnh hơn, tiếp thêm sức lực lao động và sảng khoái tinh thần, đầu óc.
Nhiều người phản ứng rằng quảng cáo này dung tục, không phù hợp khi được phát đi phát lại vào khung giờ vàng trên tivi. Tuy nhiên, tôi lại thấy quảng cáo một cách thông minh, lí lắc, và cũng khá thực tế, chứ không hề dùng đến một từ ngữ dung tục nào cả.
Ngôn ngữ Việt Nam vô cùng phong phú nhưng để chắt lọc ra được vài từ mà đủ mô tả cho sản phẩm của mình thì không phải nhãn hàng nào cũng làm được. Khi chiến lược quảng bá của nhà sản xuất được tung ra mà không để lại cho người ta một chút gợi nhớ nào thì sản phẩm đó coi như thất bại.
Xét cho cùng, điều quan trọng nhất của một quảng cáo vẫn là hiệu ứng. Chỉ một câu nói hết sức bình thường nhưng tạo được phản ứng đông đảo từ người tiêu dùng. Có thể, quảng cáo khiến người ta thấy thích thú, nhớ đến, tò mò hoặc cũng có thể khiến người ta khó chịu đến mức...mua dùng thử.Như vậy, chẳng phải nhà sản xuất đã thành công hay sao?
Bạn không thích có thể chuyển kênh hoặc tắt tivi, còn nhà sản xuất bỏ tiền ra mua quảng cáo ở khung giờ đẹp, tại sao lại bắt họ phải dừng?
Độc giả có đồng tình với quan điểm trên? Hãy gửi ý kiến của bạn ở box bình luận bên dưới.
Bình luận