Ợ nóng hay trào ngược dạ dày là chứng bệnh khá phổ biến, gây ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật và có thể phát triển thành các căn bệnh nguy hiểm khác như viêm, loét hay hẹp thực quản…
Theo các chuyên gia dinh dưỡng Sally Kuzemchak, MS, RD chia sẻ với WebMD, chứng ợ nóng hay còn gọi là chứng khó tiêu axit hoặc trào ngược dạ dày thực quản gây khó chịu và ảnh hưởng đến sức khoẻ tiêu hoá ở người bệnh. Ợ nóng là triệu chứng tiêu hoá khá phổ biến, bệnh nhân thường có cảm giác bỏng rát lan từ ngực đến cổ họng, thậm chí còn khiến bệnh nhân bị chán ăn .
Nguyên nhân gây ra chứng ợ nóng?
Chứng ợ nóng xảy ra khi axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản, gây ra cảm giác nóng rát. Điều này xảy ra khi cơ ngăn cách thực quản và dạ dày, được gọi là cơ vòng thực quản dưới (LES), không đóng đúng cách. Một số nguyên nhân phổ biến gây ra chứng ợ nóng bao gồm ăn quá nhiều, ăn khuya, căng thẳng và thói quen nằm quá sớm sau khi ăn.
Ngăn ngừa chứng ợ nóng
Cách tốt nhất để ngăn ngừa chứng ợ nóng là thay đổi lối sống và thói quen ăn uống của bạn. Dưới đây là một số mẹo cần ghi nhớ:
Tránh các tác nhân nguy cơ: Xác định các loại thực phẩm gây ra chứng ợ nóng của bạn và cố gắng tránh chúng. Các tác nhân phổ biến bao gồm thức ăn béo hoặc cay, caffein, sô cô la và rượu.
Ăn các bữa nhỏ thường xuyên hơn: Ăn quá nhiều có gây ảnh hưởng đến cơ vòng thực quản dưới, cho phép axit dạ dày trào ngược lên thực quản. Chia nhỏ bữa ăn chính thành các bữa ăn nhỏ có thể giúp ngăn chặn điều này xảy ra.
Tránh nằm sau khi ăn: Chờ ít nhất 2 giờ sau khi ăn trước khi nằm. Điều này sẽ giúp cơ thể bạn có thời gian để tiêu hóa thức ăn và ngăn axit dạ dày trào ngược lên thực quản.
Mặc quần áo rộng rãi: Quần áo chật có thể gây áp lực lên dạ dày, khiến axit trào ngược lên thực quản. Hãy lựa chọn các loại quần áo rộng để tránh điều này xảy ra.
Bỏ hút thuốc: Hút thuốc có thể làm suy yếu cơ vòng thực quản, khiến axit dạ dày dễ dàng trào ngược lên thực quản. Bỏ hút thuốc có thể giúp ngăn ngừa chứng ợ chua xảy ra.
Điều trị ợ nóng
Nếu chứng ở nóng thường xuyên xảy ra và gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, bạn có thể tham khảo các phương pháp dưới đây:
Sử dụng thuốc không kê đơn: Thuốc kháng axit, chẳng hạn như Tums, có thể trung hòa axit dạ dày và giúp giảm đau nhanh chóng. Thuốc chẹn H2, chẳng hạn như Zantac, có thể làm giảm lượng axit được tạo ra trong dạ dày, giúp giảm đau lâu dài hơn.
Gừng: Gừng có đặc tính chống viêm tự nhiên và có thể giúp giảm viêm ở thực quản. Sử dụng trà gừng hoặc bổ sung gừng vào các món ăn có thể giúp bạn giảm thiểu nguy cơ bị ợ nóng sau khi ăn.
Kẹo cao su: Nhai kẹo cao su có thể kích thích sản xuất nước bọt, giúp trung hòa axit dạ dày. Lưu ý, người bệnh nên chọn các loại kẹo cao su không đường để tránh tình trạng kích ứng.
Tránh ăn khuya: Ăn gần giờ đi ngủ làm tăng khả năng bị ợ nóng, người bệnh nên cố gắng kết thúc bữa ăn tối trước khi ngủ từ 2 - 3 giờ.
Kê cao đầu khi ngủ: Kê cao đầu giường hoặc dùng thêm gối có thể giúp ngăn axit dạ dày trào ngược lên thực quản khi bạn ngủ.
Giảm cân: Thừa cân có thể gây thêm áp lực lên dạ dày và gây ra chứng ợ nóng. Giảm cân có thể giúp giảm tần suất các triệu chứng ợ nóng xuất hiện và cải thiện sức khoẻ tổng thể ở người bệnh.
Chứng ợ nóng có thể là một vấn đề dai dẳng và khó chịu. May mắn thay, với các phương pháp ngăn ngừa và điều trị phù hợp có thể giúp bạn kiểm soát và ngăn chặn bệnh. Trong trường hợp chứng ợ nóng kéo dài, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh sự xuất hiện của các biến chứng nghiêm trọng hơn.
Bình luận