• Zalo

Lợi nhuận doanh nghiệp dệt may trồi sụt vì COVID-19

Tài chínhThứ Sáu, 17/09/2021 06:42:51 +07:00Google News
(VTC News) -

Dệt may Thành Công lần đầu báo lỗ do các tỉnh phía Nam giãn cách vì COVID-19, trong khi Dệt may TNG tiến tục lãi lớn do địa phương ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Hai ông lớn của ngành dệt may là Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM) và Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG (mã TNG) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 8 với sắc thái trái ngược. Trong khi TCM ngậm ngùi báo lỗ thì TNG giữ vững phong độ.

Lợi nhuận doanh nghiệp dệt may trồi sụt vì COVID-19 - 1

Dệt may TCM báo lỗ do ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội vì COVID-19. (Ảnh: TCM).

Cụ thể, doanh thu tháng 8 của TCM đạt hơn 10,5 triệu USD (khoảng 242 tỷ đồng), giảm 23% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế hơn 282 ngàn USD (tương đương 6,5 tỷ đồng).

Doanh thu lũy kế 8 tháng đạt 106 triệu USD, lợi nhuận lũy kế sau thuế đạt 5,4 triệu USD.

TCM cho biết đã nhận đơn hàng đến cuối 2021 và quý I/2022. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đơn hàng làm việc theo phương thức “3 tại chỗ”.

Thị trường xuất khẩu trong tháng của TCM chủ yếu là châu Á hơn 57%, châu Mỹ 38%, còn lại là châu Đại Dương và châu Âu.

Ở chiều tươi sáng hơn, TNG vừa công bố báo cáo tài chính tháng 8 với doanh thu hơn 577 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 29 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ 2020.

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần TNG tăng 16% lên mức 3.544 tỷ đồng, tương ứng với việc hoàn thành 74% kế hoạch. Trừ đi các khoản thuế phí, TNG lãi ròng xấp xỉ 142 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ và hoàn thành 81% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Từ đầu năm, giá cổ phiếu TNG cũng tăng tốc phi mã 100,6% lên 31.300 đồng, tương ứng mỗi cổ phiếu thêm 15.700 đồng.

Những tháng cuối năm, báo cáo đánh giá của TCM cho thấy ngành dệt may đối mặt nhiều nguy cơ. Cụ thể, chuỗi cung ứng dệt may có thể bị đứt gãy do thiếu sự điều hành thống nhất của các địa phương trong sản xuất và lưu thông hàng hóa, nguyên liệu.

Mô hình sản xuất “3 tại chỗ” cũng bộc lộ nhiều bất cập do quy mô của doanh nghiệp may rất lớn nên khó đáp ứng được yêu cầu. 

“Do đó, từ tốc độ phục hồi mạnh mẽ trong quý II với lượng đơn hàng đã ký đến hết năm và quý I/2022, doanh nghiệp dệt may lâm vào tình cảnh không thể sản xuất được. Toàn ngành dệt may hiện chỉ vận hành được 10 đến 15% công suất”, báo cáo TCM nêu.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp