Chúng tôi đã đọc rất kĩ tài liệu chỉnh sửa và bổ sung ngữ liệu của sách Tiếng Việt 1 (tập 1) - Cánh Diều và cảm thấy thật buồn lòng.
Sách có đến 46 văn bản là chuyện ngụ ngôn dịch từ tiếng nước ngoài và gần một chục văn bản tiếng Việt có vấn đề về nội dung, nhân vật, ngôn ngữ, nhưng các tác giả chỉ cho thay có 5 văn bản (bằng 9 văn bản mới), còn lại vẫn giữ nguyên như cũ.
Nội dung văn bản thay thế không mấy ăn nhập với văn bản cũ, chẳng hạn: Văn bản “Ve và gà” (1, 2) được thay bằng hai văn bản “Bờ Hồ” và “Chăm bà”, “Quạ và chó” được thay bằng văn bản “Phố Thợ Nhuộm”, văn bản “Hai con ngựa” (1, 2) được thay bằng “Mẹ thật là ấm” và “Sáng sớm trên biển”... Nếu khi biên soạn sách, các tác giả đã lựa chọn văn bản ngữ liệu phù hợp với chủ đề, kiến thức và kỹ năng thì với việc thay thế văn bản như trên thử hỏi sự phù hợp đó có còn không? Chắc chắn là không!
Có 8 văn bản bị tách làm 2 bài thì chỉ thay có 4 văn bản, còn 4 văn bản bị tách đôi vẫn để nguyên, gây trở ngại cho giáo viên và học sinh khi dạy và học. Cùng với đó, sách có rất nhiều lỗi về sử dụng từ ngữ, lỗi đặt câu... nhưng các tác giả chỉ chỉnh sửa và thay thế chưa đến 20 lỗi.
Ví dụ, văn bản “Sơn và Hà” trang 129: “Giờ kiểm tra, Sơn vừa chép đề vừa lẩm nhẩm: “Giỏ có 8 con cá thờn bơn. Cho bớt 5 con còn 4”. Hà thì thầm: “Còn 3 chứ?”. Cô Yến đến bên Hà: - Hà để bạn tự làm đi. Hà lễ phép: - Dạ. Sơn ngẫm nghĩ. Em chợt nghĩ ra và nắn nót viết: “8 – 5 = 3”.
Văn bản này được tác giả Lưu Minh Phương chỉ ra rất nhiều lỗi sai khó có thể chấp nhận được. Thứ nhất, câu văn “Giờ kiểm tra” – là kiểu câu không đầy đủ. Lẽ ra nên viết, nên viết là “Trong giờ kiểm tra” và dùng dấu “phẩy” để ngăn cách mệnh đề trạng ngữ chỉ thời gian.
Thứ hai, “Sơn vừa chép đề vừa lẩm nhẩm”. Câu này đúng ngữ pháp, nhưng sai ngữ nghĩa: Sơn đang chép đề thì chưa thể lẩm nhẩm giải bài. Chép xong, nếu có lẩm nhẩm thì Sơn chỉ một vài từ thôi- chứ không thể lẩm nhẩm toàn bộ lời giải.
Thứ ba, “Sơn ngẫm nghĩ. Em chợt nghĩ ra và nắn nót viết: 8-5=3”. Sơn ngẫm nghĩ về lời cô hay lời Hà nhắc bài? Nếu nghĩ về phép tính thì nên viết: “Sơn nghĩ lại rồi viết....”. Mà ngẫm nghĩ gì nữa, chợt nghĩ ra gì nữa khi bạn đã nhắc rồi?
Hay văn bản “Bà và Hà” - trang 97 có nội dung như sau: “Hà nhỏ mà chăm chỉ. Có hôm Hà giúp bà chữa mũ cho búp bê. Ngắm Hà chăm chú đưa chỉ qua lỗ kim, bà tủm tỉm: Hà của bà ngộ quá !”.
Văn bản này có bốn chỗ không ổn – theo Lưu Minh Phương. Thứ nhất, cách diễn đạt “nhỏ mà chăm chỉ” - nên viết: “còn nhỏ mà đã chăm chỉ” thì mới rõ là “nhỏ tuổi” chứ không phải nhỏ vóc dáng (dù có thể thế). Cấu trúc câu “còn.. mà đã....” diễn đạt đánh giá “sớm hơn so với thời gian, tuổi tác”.
Thứ hai, “chữa mũ” - không ai nói “chữa mũ”, mà phải viết là “sửa mũ”. Thứ ba, cháu giúp mình, bà phải khen cháu chăm ngoan chứ sao lại lạc đề: “ngộ quá”? Thứ tư, “đưa chỉ qua lỗ kim”: hành động diễn tả loằng ngoằng ấy đã có từ gọi là “xâu kim”.
Chúng tôi nhận thấy, sửa như vậy chỉ là sửa chắp vá, sửa cho có mà thôi. Và sau khi sửa, giáo viên và học sinh còn khổ sở hơn vì vừa phải mang quyển sách đầy lỗi đến lớp, vừa phải mang thêm tập tài liệu chỉnh sửa, bổ sung. Lỗi không chỉ ở các tác giả, mà lỗi ở Hội đồng thẩm định. Lẽ ra Hội đồng thẩm định phải nói thẳng với các tác giả “đây là một sản phẩm lỗi không thể sửa".
Tuy nhiên, thay vì làm như vậy, Hội đồng thẩm định đã bắt giáo viên, học sinh cùng san sẻ trách nhiệm “khắc phục lỗi” với các tác giả. Kết quả là giáo viên và học sinh đã mất tiền mua sách lỗi để dạy và học, giờ lại phải cõng thêm bộ tài liệu hiệu chỉnh và bổ sung này nữa. Rõ ràng, Hội đồng thẩm định đã coi trọng quyền lợi của các nhà xuất bản và của các tác giả hơn quyền lợi của giáo viên và học sinh.
Ngày 14/11, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM đã công bố dự thảo tài liệu điều chỉnh và bổ sung ngữ liệu sách giáo khoa tiếng Việt 1, bộ sách Cánh Diều, để xin ý kiến giáo viên và xã hội.
Dự thảo này sẽ được góp ý đến ngày 20/11/2020 trước khi Hội đồng thẩm định làm việc để thẩm định lần cuối. Tuy nhiên, với rất nhiều ý kiến từ chuyên gia, quyển sách Tiếng Việt 1 – Cánh Diều khó có thể chỉnh sửa một sớm một chiều…
Bình luận