Ngày 14/11 Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM công bố tài liệu bổ sung, điều chỉnh ngữ liệu cho sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều và mong nhận được ý kiến đóng góp rộng rãi. Là giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn bậc phổ thông, sau khi xem xét tài liệu bổ sung, điều chỉnh ngữ liệu cho quyển sách này, thầy giáo Phan Thế Hoài (TP.HCM) đưa ra một số ý kiến, chỉ ra điểm chưa hợp lý.
Phần ngữ liệu
Các bài tập đọc Bờ hồ, Kết bạn, Mẹ thật là ấm, Bạn của Hà, Ông bà em, Mưa, Lịch bàn - ngắn gọn, viết đúng ngữ pháp, câu cú tương đối rõ ràng nhưng ngôn từ lại thiếu chất văn chương khiến học sinh chán học và khó nhớ bài.
Bài tập đọc Phố Thợ Nhuộm, phần tập viết có từ “quả muỗm”, thú thực, tôi cũng không biết quả này là quả gì. Bài tập đọc Hồ sen có 6 câu nhưng lặp lại ý ở 2 câu “Khắp hồ thơm ngát” và “Khi gió về, sân nhà Ngân thơm ngát” làm cho người đọc nhàm chán.
Bài tập đọc Sáng sớm trên biển có câu: “Từ phía xa tít tắp, một vầng hồng từ từ nhô lên”. Tôi cho rằng, dùng từ “vầng hồng” là chưa chính xác. Người ta thường nói “vầng dương” (mặt trời), “ánh hồng” (mảng ánh sáng có màu sắc hồng)... Như vậy, sáng sớm ở biển ta thấy mặt trời từ từ nhô lên, còn vầng hồng thì không thể nhô lên mà chỉ lan tỏa ánh sáng.
Phần từ ngữ
Bỏ từ “thở hí hóp” trong câu “Vì cố quá, lừa ngã ra bờ cỏ, thở hí hóp” (trang 85) nhưng vẫn dùng từ “chả” (phương ngữ) trong câu “Ngựa chả nghe”. Muốn học sinh hiểu nghĩa của từ “chả” thì trước hết phải dạy cho các em từ phổ thông là “không”. Không dạy từ phổ thông mà dạy phương ngữ cho học sinh lớp 1 là vô lý.
Thay “Tổ của nó nhỏ như hộp diêm mà đẹp” bằng “Tổ của nó đẹp lắm” (trang 92). Nhưng nội dung bài tập đọc khiến người đọc băn khoăn ở chỗ, lớp 1 sao đi họp lớp? Với lại, họp lớp 1 nhưng đã có bạn có cả đàn con: “Nó sắp có lũ cua bé tí bò khắp hồ” là thế nào?
Thay “quà, quà” bằng “quạ, quạ” (trang 95) nhưng vẫn dùng phương ngữ “chộp”, “gà nhép” trong câu: “Thì ra quạ sắp chộp gà nhép”.
Câu văn này còn sai về nghĩa, đó là “quạ chộp...”. Quạ thường bất ngờ bay từ trên cao xuống đất, dùng chân “cắp” gà con chứ không phải “chộp” (đưa tay ra rất nhanh để nắm lấy). Thay “Có kẻ đã cuỗm gà nhép” bằng “Có kẻ đã tha gà nhép đi” nhưng vẫn dùng hai phương ngữ “gà nhép” (từ phổ thông là gà con).
Bỏ từ “hí hóp” (trang 125) nhưng danh từ riêng trong bài tập đọc thì không viết hoa: “Chị gió nghe rô than thở, bèn đi tìm thần mưa. Thần mưa phất cờ”. Viết đúng phải là: chị Gió, thần Mưa.
Không thể chỉnh sửa theo kiểu chắp vá
Tôi cho rằng, đội ngũ tác giả sách chỉnh sửa ngữ liệu và từ ngữ từ phản ánh của dư luận hơn là quan tâm đến những góp ý của các nhà khoa học chuyên ngành. Muốn chỉnh sửa quyển sách này, các tác giả không thể làm việc kiểu “đẽo cày giữa đường” mà phải theo một quy trình bài bản, khoa học.
Trước hết, cần tổng hợp tất cả các ý kiến được báo chí phản ánh, kể cả trên mạng xã hội cũng có giá trị tham khảo rất lớn. Sau đó, thống kê, phân loại bắt đầu từ việc dùng từ ngữ, câu, bài tập đọc cần chú ý nội dung, tính logich... kể cả việc xem lại phân phối số tiết theo tuần đã hợp lí chưa.
Cuối cùng mới thay thế từ ngữ, bài tập đọc sao cho phù hợp với tâm lý lứa tuổi, nội dung bài tập đọc phải gần gũi, dễ hiểu và mang tính chân-thiện-mỹ.
Muốn làm được như vậy, cần đưa tục ngữ, thành ngữ, cao dao, các đoạn trích truyện dân gian hoặc thơ, văn xuôi của những tác giả nổi tiếng như cách làm ở sách giáo khoa cũ.
Các tác giả cần tránh sáng tạo các bài tập đọc mới như Bờ hồ, Kết bạn, Mẹ thật là ấm, Bạn của Hà... bởi đây là văn phong của người lớn, cách hành văn rất khô khan, gượng ép khiến bài tập đọc thiếu chất thơ, chất văn của bộ môn.
Bình luận