• Zalo

Lo ngại kho vũ khí hạt nhân của Nga, liệu Mỹ có răn đe được đối thủ?

Quân sựThứ Sáu, 15/07/2022 16:07:37 +07:00Google News
(VTC News) -

Kho vũ khí hạt nhân của Nga vẫn mạnh hơn của Mỹ rất nhiều. Các hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược đã không làm suy giảm sức răn đe hạt nhân của Nga đối với Mỹ.

Nóng vấn đề tấn công hạt nhân do xung đột tại Ukraine

Số lần Nga công khai đe dọa tấn công hạt nhân với khối quân sự NATO sau khi Nga đưa quân vào Ukraine giờ đã lên tới gần 36 lần. Các lời đe dọa này nhằm vào cả Mỹ và phương Tây nói chung và vào Ukraine, Ba Lan, Thụy Điển và Phần Lan nói riêng.

Kết quả là, người ta chú ý đặc biệt đến thế cân bằng vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga. Các quan chức liên quan đã thảo luận nhiều về vấn đề này với mức độ chưa từng thấy kể từ giai đoạn đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh.

Lo ngại kho vũ khí hạt nhân của Nga, liệu Mỹ có răn đe được đối thủ? - 1

Hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa di động của Nga duyệt binh trên Quảng trường Đỏ. (Ảnh: AP)

Trong một thời gian dài, thế cân bằng hạt nhân được cho là ổn định do được kiểm soát bằng Hiệp ước START mới năm 2010. Hiệp ước này, nay được gia hạn thêm 5 năm, quy định giới hạn đối với số lượng lực lượng hạt nhân chiến lược tầm xa được triển khai giữa Mỹ và Nga. START là viết tắt của cụm từ tiếng Anh có nghĩa là Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí chiến lược.

Bản thân sự tự răn đe cũng là một yếu tố của tình trạng cân bằng nói trên. Theo bình luận của giới chuyên gia, kho vũ khí hạt nhân lớn hàng đầu thế giới của hai nước Mỹ và Nga đủ để họ hủy diệt lẫn nhau một khi hai bên bắn phá nhau bằng thứ vũ khi này. Do vậy, các lời hăm dọa chủ yếu chỉ là hăm dọa mà thôi.

Nhưng vì sao lần này, Nga lại nhấn mạnh đến chiến tranh hạt nhân?

Nhiều người ủng hộ kiểm soát vũ khí (đặc biệt là những người ủng hộ “Zero Toàn cầu”, tức là việc xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân) đã thúc đẩy phía Mỹ đơn phương kiềm chế để bảo đảm với phía Nga rằng họ không tạo ra mối hại nào cả. Nhóm này cũng giải thích rằng Nga đơn thuần là hăm dọa mà thôi, không nên chú ý quá mức.

Số khác kết luận rằng ngay cả khi Tổng thống Nga Putin có nghiêm túc đi chăng nữa về đe dọa hạt nhân, cái Mỹ cần không phải là hiện đại hóa hạt nhân mà là tiếp tục kiềm chế hơn nữa vũ khí hạt nhân và kiểm soát vũ khí, nhất là Mỹ cần lựa chọn các chiến lược tương tự như “không sử dụng trước” vũ khí hạt nhân.

Sức mạnh vượt trội của kho vũ khí hạt nhân Nga so với Mỹ

Nga vẫn có lợi thế ngay cả khi nhiều hiệp ước về kiểm soát vũ khí đã được thực hiện kể từ khi quá trình START bắt đầu.

Cấu trúc lực lượng hạt nhân của Nga thực sự khác đáng kể với của Mỹ, bao gồm cả lực lượng bị giới hạn bởi các hiệp ước và cả các lực lượng được miễn trừ khỏi các giới hạn đó.

Theo START mới, mỗi nước trong 2 siêu cường hạt nhân có thể triển khai khoảng 700 phương tiện mang/phóng vũ khí hạt nhân, bao gồm máy bay ném bom tầm xa và tên lửa mang được đầu đạn hạt nhân.

Trong nhiều thập kỷ, Mỹ chủ trương bố trí bộ phận lớn lực lượng chiến lược của họ ở trên biển, bảo tồn năng lực oanh tạc cơ thông thường, và giới hạn các tên lửa trên bộ vào các đầu đạn riêng lẻ.

Trong khi đó, Nga chọn lối đi khác. Nga nhấn mạnh vào các tên lửa trên cạn có khả năng mang nhiều đầu đạn rất lớn và có thể đặt trong trạng thái báo động gần như tất cả mọi lúc.

Hiệp ước START II được Tổng thống Mỹ George H. W. Bush và Tổng thống Nga Boris Yeltsin ký vào tháng 1/1993. Hiệp ước này giảm số lượng các đầu đạn chiến lược từ 6.000 xuống 3.500, tức là giảm 40%, gần bằng mức giảm 50% đạt được trong khuôn khổ START I được ký vào năm 1991.

Tuy nhiên START II có một chi tiết khác biệt lớn. Hiệp ước này cấm sử dụng nhiều đầu đạn trên cùng một tên lửa đặt trên bộ - mà đây chính là loại tên lửa lớn nòng cốt của lực lượng tên lửa chiến lược Nga.

Năm 1996, cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev viết một bài báo nói rằng điều khoản START cấm các tên lửa trên bộ mang được nhiều đầu đạn hạt nhân là chẳng khác nào đòi tước khí giới Nga. Ngụ ý của ông là, chi phí chế tạo các tên lửa mang các đầu đạn riêng lẻ sẽ nằm ngoài khả năng tài chính của Nga.

Ngày nay, các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) như thế được đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu gần như 100% thời gian. Khác với các tên lửa cũ hơn, các ICBM này không cần nạp lại nhiên liệu trước khi phóng. Các tên lửa đó có thể đặt trong tình trạng báo động mọi ngày, mọi tháng và mọi năm mà không phải thay đổi trạng thái.

Số lượng lớn tên lửa của Nga như vậy mang lượng lớn đầu đạn (mỗi tên lửa có thể mang tới 10-24 đầu đạn) và có thể phóng bất ngờ vào Mỹ để vô hiệu hóa kho vũ khí chiến lược của Mỹ. Nếu Nga đánh vào các cơ sở quân sự chính của Mỹ, bao gồm tất cả các hầm ICBM và các căn cứ oanh tạc cơ và tàu ngầm, Mỹ sẽ chỉ còn lại lực lượng tàu ngầm đang hoạt động ngoài biển, khi ấy họ chỉ còn khả năng tấn công các mục tiêu tương đối mềm của Nga như là các thành phố.

Thời đỉnh cao Chiến tranh Lạnh, từng có nỗi sợ cho rằng Nga (lúc ấy sở hữu khoảng 10.000 đầu đạn hạt nhân) nếu tấn công phủ đầu Mỹ thì chỉ cần dùng vài ngàn đầu đạn loại như vậy là đủ phá hủy tất cả các tên lửa đạn đạo của Mỹ cùng các căn cứ không quân chiến lược và tàu ngầm. Sau đó, nếu Mỹ phản ứng, Nga có thể đe dọa phóng tiếp tên lửa vào các thành phố của Mỹ.

Người ta từng cho rằng điểm yếu này của Mỹ có thể được khắc phục lâu dài nếu tất cả các tên lửa mang đầu đạn đa hướng MIRVed trên bộ có thể bị cấm bằng một hiệp ước như START II. Nhưng với những giới hạn do START II đặt ra cho số lượng tên lửa chiến lược mà mỗi quốc gia hạt nhân có thể giữ, không nước nào có thể lấy tên lửa đơn đầu đạn để đọ lại tên lửa đa đầu đạn.

Nga đã tránh START II như thế nào?

Trong 2 thập kỷ qua, Duma Quốc gia Nga (tức Hạ viện Nga) đã chính thức bác bỏ START II do Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước Chống Tên lửa đạn đạo (ABM) năm 1972 (Hiệp ước ABM nhằm hạn chế sử dụng hệ thống chống tên lửa đạn đạo). Cáo buộc được đưa ra là những người cổ xúy cho hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ đã giết chết chính sách kiểm soát vũ khí.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Bush đã xem Hiệp ước ABM là lỗi thời vì đã cấm việc triển khai các hệ thống tên lửa bảo vệ lãnh thổ mỗi quốc gia, với ngoại lệ là 100 tên lửa đánh chặn được dùng để bảo vệ thủ đô mỗi nước hoặc một bãi tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Nga chọn bảo vệ thủ đô Moscow. Mỹ ban đầu chọn bảo vệ một bãi tên lửa ở Bắc Dakota nhưng cuối cùng Mỹ bỏ phương án này do Nga đủ khả năng để áp đảo dễ dàng hệ thống phòng thủ của Mỹ chỉ với một lượng nhỏ trong số khoảng 10.000 đầu đạn hạt nhân của mình theo Thỏa thuận SALT 1972.

Tuy nhiên các tiết lộ mới đây của một quan chức cấp cao Nga đã cho thấy Hiệp ước START II còn bị chấm dứt vì một yếu tố khác.

Theo quan chức Nga này, ông và những người khác đã làm việc không mệt mỏi trong Duma giai đoạn 1997-1999 (khá lâu trước khi Hiệp ước ABM bị vứt bỏ vào khoảng năm 2002-2003) nhằm ngăn việc phê chuẩn START II.

Nói một cách ngắn gọn, dù kho vũ khí hạt nhân của Nga hiện nay nhỏ hơn so với thời điểm Hiệp ước ABM được ký kết, Nga vẫn xoay sở để duy trì được khả năng tung đòn hạt nhân hiệu quả, không bị ngáng trở bởi hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ…

Chính vì vậy Quốc hội Mỹ đã phải bổ sung thêm 45 triệu USD phát triển một tên lửa hành trình của hải quân được gắn vũ khí hạt nhân. Mỹ vẫn đang phải hiện đại hóa năng lực răn đe chiến lược của mình để ứng phó với Nga.

Trung Hiếu(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp