Mỗi vùng miền Việt Nam đều có những món canh được chế biến từ các loại lá, cây đặc trưng. Với Thanh Hoá thì đó là canh đắng, nguyên liệu chính sử dụng là lá đắng, được trồng nhiều ở vùng núi xứ Thanh.
Lá đắng có vị đắng chát và ngọt hậu, khi nấu canh thì không thể thiếu mẻ và sả, tạo thành hương vị chua chua, giảm đắng mà lại làm bát canh thêm thơm nồng.
Tuỳ vào các địa phương trong tỉnh mà canh lá đắng sẽ có những cách nấu khác nhau, có thể nấu với thịt gà, lợn, bò, cá…, nhưng mang tính truyền thống và được biết đến nhiều nhất là canh lá đắng nấu với lòng lợn. Dân tình gọi ghép một cách dân dã là canh “Đắng Lòng”.
Món canh “Đắng Lòng” (canh lá đắng nấu lòng heo) là món ăn đặc sản của người Mường, Thanh Hoá. Bạn sẽ khó mà quen với mùi vị của món canh này ngay trong lần thưởng thức đầu tiên. Và dù là người ưa đồ ăn vị đắng thì cũng sẽ cảm thấy rất lạ miệng, tê tê nơi cổ họng, thậm chí rùng mình, nhắm mắt khi nếm thử nước canh.
Thế nhưng, đối với những du khách đã ăn qua món này vài lần sẽ như bị thôi miên bởi hương vị kỳ lạ ấy. Lá đắng hòa quyện một cách hoàn hảo với vị ngọt của lòng, vị cay của ớt, vị chua của mẻ, vị thơm của hành, sả, tạo thành một món canh đậm chất xứ Thanh mời gọi du khách.
Để nấu món canh lá đắng chuẩn vị, bạn nên nấu cùng với lòng lợn và chọn lá đắng tẻ (loại có răng cưa, phiến mỏng). Lá đắng được ví như linh hồn của món ăn này, vì vậy phải được thái nhỏ hoặc băm nhuyễn. Một phần giúp giảm độ đắng, một phần làm tăng thêm tính thẩm mỹ cho món ăn.
Lòng lợn sau khi sơ chế sạch thì cắt miếng vừa ăn, sau đó tẩm ướp gia vị gồm mẻ, mắm tôm, sả, tiêu, ớt. Bước tiếp theo, xào lòng với hành tỏi rồi thêm nước dùng. Đợi nước sôi bùng lên, nhanh tay bỏ rau đắng vào và chờ chừng ba phút thì bắc ra, thưởng thức ngay khi còn đang nóng.
Từ cái tên cho đến nguyên liệu, cách nấu của canh “Đắng Lòng” đều kích thích sự tò mò của thực khách và sẽ bùng nổ vị giác khi nếm thử. Ai không ăn được thì thôi chứ ăn là ghiền, khó quên vị đặc biệt của ẩm thực xứ Thanh, của đặc sản Việt Nam.
Bình luận