Bánh đúc thuở xưa thực chất là một món ăn thay cơm (được làm bằng bột gạo), thường không có thức ăn hay gia vị kèm mà chỉ ăn không hoặc chấm nước mắm. Thuở ấy bánh đúc chỉ dành cho những gia đình nghèo khó, ăn qua bữa cho chắc bụng vì thiếu gạo. Tuy nhiên, trải qua những tháng ngày khó khăn ấy, món bánh đúc dẻo quánh này đã được cải tiến trở thành một trong những thức quà tuyệt vời của tuổi thơ.
Bánh đúc mang đặc trưng riêng ở nước mắm pha đậm đà, miếng đậu xốp mềm thanh nhã, ngấm vị, thịt băm hòa quyện cùng bột bánh beo béo, thơm thơm nhẹ hương của rau mùi. Hành khô phi thơm lừng và rau mùi góp phần làm cho bát bánh đúc nóng trở nên hấp dẫn hơn gấp nhiều lần. Nhất là những ngày lạnh, món ăn sẽ lại càng ngon hơn bao giờ hết.
Người ta truyền nhau về bánh đúc - "Một món ăn bình dân nhưng lại là sự kết hợp hoàn hảo của rất nhiều nguyên liệu, mang trong mình sự tròn đầy của ngũ vị hài hòa. Thức ăn ấy không mấy khi để ăn no, đối với người Hà thành, đó là một thức quà từ lúa gạo mà người ta chỉ muốn ăn chơi, vừa đủ để nuôi ý định lân la, lâu lâu lại lên cơn thèm..."
Ăn một miếng bánh đúc nóng tan dần trong miệng, bao nhiêu nhớ thương của Hà Nội như được gói ghém tất thảy trong đó. Người ta ăn bánh đúc như một cách để thưởng thức một nét văn hoá ẩm thực Hà Nội, cũng là một thức quà ăn vặt riêng của người Hà Thành dẫu bao nhiêu năm rồi cũng không thay đổi. Hay như một câu nói đùa thức quà lạ miệng ấy có ăn vào buổi chiều cũng còn bụng cho bữa tối.
Hiện nay ở Hà Nội có rất nhiều hàng bán bánh đúc, mỗi hàng có một biến tấu riêng, tuỳ khẩu vị của từng người để đánh giá hàng nào ngon. Tuy nhiên dù thay đổi kiểu gì thì cũng chẳng thể phủ nhận, ra Hà Nội thì phải "dạo" qua hàng bánh đúc mới tính là đã tới thăm thủ đô.
Bình luận