Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi Thủ tướng về việc hỗ trợ doanh nghiệp dự án BOT do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo đó, Bộ GTVT trình Chính phủ hai phương án hỗ trợ các dự án BOT. Cụ thể, phương án 1: Cho phép tăng phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hợp đồng dự án. Giao Bộ GTVT lựa chọn thời điểm phù hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến chi phí vận tải.
Phương án 2: Giữ nguyên mức phí như hiện tại, chỉ thực hiện tăng phí theo lộ trình đã ký trong hợp đồng dự án từ năm 2022. Tuy nhiên, Nhà nước bố trí khoảng 5.080 tỉ đồng hỗ trợ các dự án do chưa được tăng giá theo hợp đồng BOT đã ký. Giao Bộ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng để bố trí kế hoạch vốn; Bộ GTVT đàm phán với nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng.
“Trong đó hai phương án trên, Bộ GTVT ưu tiên phương án 1 vì không phải bố trí ngân sách nhà nước”, Bộ GTVT cho hay.
Ngay khi có đề xuất này, nhiều ý kiến đã được đưa ra. Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, khó khăn mà ngành vận tải và các nhà đầu tư BOT gặp phải do dịch COVID-19 là rất lớn. "Trước đề xuất của Bộ GTVT về việc tăng phí BOT, bản thân tôi chia sẻ với các khó khăn của Bộ GTVT và doanh nghiệp BOT. Áp lực của việc phải đảm bảo phương án tài chính, các cam kết đã ký trong hợp đồng BOT là rất lớn. Đề nghị của các nhà đầu tư, Bộ GTVT cũng chính đáng. Tuy nhiên trong thời điểm hiện nay, nền kinh tế nói chung và ngành vận tải nói riêng vẫn đang khó khăn, các cơ quan bộ ngành cần tiếp tục nghiên cứu và xem xét việc tăng phí BOT", Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhấn mạnh.
Theo ông Quyền, việc tăng phí BOT sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải. Trong khi thiệt hại mà các doanh nghiệp này hứng chịu do dịch COVID-19 cũng rất lớn. Nhiều tháng nay, các doanh nghiệp vận tải đều hoạt động cầm chừng, chỉ đạt từ 30-50% so với trước đó.
"Bộ GTVT cần có giải pháp để ngành vận tải hoạt động thuận lợi hơn. Phí BOT hiện vẫn đang khác nhau ở từng địa phương nên việc thay đổi mức phí cần được xem xét, cân nhắc. Nếu có thay đổi cần phải từng bước và cần có lộ trình, đúng thời điểm thích hợp", ông Quyền nhấn mạnh.
Kiến nghị gây chú ý dư luận của Bộ GTVT được đưa ra trong báo cáo gửi Thủ tướng về hỗ trợ doanh nghiệp BOT do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bộ này cho biết hiện đang quản lý 61 hợp đồng dự án BOT, trong đó có 60 dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác, 1 dự án đang đầu tư xây dựng.
Qua rà soát năm 2019, có 45 dự án BOT doanh thu thực tế thấp hơn so với dự báo trong phương án tài chính của họp đồng BOT, trong đó có 2 dự án doanh thu chỉ đạt 13-15% là BOT quốc lộ 3 đoạn Thái Nguyên - Bắc Kạn và cầu Thái Hà trên quốc lộ 39 nối tỉnh Hà Nam, Thái Bình.
Có 3 dự án chưa được thu phí hoặc đang tạm dừng thu phí gồm BOT quốc lộ 10 đoạn tránh thị trấn Đông Hưng (tỉnh Thái Bình), BOT quốc lộ 1 đoạn tránh TP Thanh Hóa và BOT quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang).
Bộ này nhận định các doanh nghiệp BOT gặp rất nhiều khó khăn khi phải bổ sung kinh phí để cố gắng trả nợ ngân hàng theo kế hoạch và các ngân hàng đã có ý kiến về nguy cơ phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chuyển nhóm nợ đối với các khoản vay đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.
Các khó khăn, vướng mắc nói trên chưa được giải quyết thì từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 cũng khiến các dự án BOT bị ảnh hưởng do lưu lượng xe giảm sâu dẫn đến doanh thu giảm, đặc biệt trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Qua tổng hợp số liệu thống kê các doanh nghiệp BOT đến hết ngày 22/4, có tới 58 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với doanh thu dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT, trong đó 17 dự án doanh thu thực tế chưa đạt 50% so với dự báo.
Dựa trên các kiến nghị của doanh nghiệp BOT, Bộ GTVT kiến nghị "cho phép tăng phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hợp đồng dự án", đồng thời chỉ đạo các địa phương bố trí lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự tại trạm thu phí khi cần thiết.
Với phương án này, Nhà nước không phải chi khoảng 5.080 tỉ đồng hỗ trợ các dự án BOT nếu giữ nguyên mức phí như hiện tại, chỉ tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng đã ký từ năm 2022.
Bộ này kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần có giải pháp hỗ trợ, tái cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các dự án BOT giao thông, đồng thời giảm lãi vay phát sinh trong thời gian từ 1/2/2020 đến khi Việt Nam công bố hết dịch COVID-19, cộng thêm 3 tháng.
Trong trường hợp cần thiết, Nhà nước có thể trưng mua lại toàn bộ dự án.
Chấp thuận cho các doanh nghiệp BOT giãn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp các năm 2019, 2020.
Để khuyến khích và thúc đẩy đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), Bộ kiến nghị Thủ tướng có chủ trương giảm lãi suất vay từ 2-3%/năm so với vay đầu tư các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh khác.
Bình luận