• Zalo

Hiểu đúng, sống khỏe với các bệnh liên quan tim mạch

Sức khỏeThứ Ba, 29/11/2022 14:06:58 +07:00Google News
(VTC News) -

Bệnh tim mạch là bệnh lý nguy hiểm và chiếm tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt tần suất mắc bệnh tim mạch ngày càng trẻ hóa do những thói quen thiếu lành mạnh.

Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, dù là ở các nước đã hay đang phát triển. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và dấu hiệu

Theo BS.Nguyễn Hoàng Tài My - Khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết nguyên nhân thường gặp của bệnh lý tim mạch ở tuổi trưởng thành và trung niên: Hút thuốc, béo phì, ít vận động, căng thẳng (stress), chế độ ăn nhiều muối, chất béo, rượu bia, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, đái tháo đường… Bên cạnh đó, béo phì ở trẻ em đã trở thành vấn đề toàn cầu, cứ 10 trẻ lại có một trẻ bị béo phì.

Béo phì lại dẫn đến những yếu tố nguy cơ tim mạch khác như tăng cholesterol, đái tháo đường, tăng huyết áp, và hội chứng chuyển hóa. Nếu chúng ta không kiểm soát các yếu tố nguy cơ này sớm thì các bệnh lý tim mạch sẽ xảy ra sớm ở người trẻ.

Hiểu đúng, sống khỏe với các bệnh liên quan tim mạch - 1

Béo phì nguyên nhân gây bệnh về tim mạch. (Hình minh họa)

Hai loại bệnh lý tim và mạch quan trọng cần được chẩn đoán và cấp cứu khẩn vì nguy cơ tử vong cao, có thể gây tàn phế, nếu bệnh nhân không chết cũng để lại nhiều gánh nặng cho xã hội là nhồi máu cơ tim cấp và đột quỵ. Ngoài ra còn có các dấu hiệu khác:

  • Khó thở: xuất hiện từ từ, tăng lên khi người bệnh gắng sức, đặc biệt khi nằm xuống.

  • Cảm giác bị đè nặng trong ngực, đau tức ngực: là triệu chứng thường gặp của bệnh tim, tuy nhiên cũng xuất hiện ở các bệnh lý khác như hô hấp, thần kinh.

  • Cơ thể bị tích nước, mặt, bàn chân căng phù: Triệu chứng phù do bệnh tim mạch thường là phù tím, phù mềm, dấu hiệu bắt đầu từ hai bàn chân kèm theo tình trạng gan to, tĩnh mạch cổ nổi.

Những bệnh về tim mạch thường gặp

Bệnh tim bẩm sinh

Bệnh tim bẩm sinh thường xảy ra trong thời kỳ bào thai. BS. Nguyễn Hoàng Tài My cho biết rằng có 1 – 2% em bé sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh như ống động mạch, hoán vị đại động mạch... Đây là nguyên nhân của nhiều ca tử vong ở trẻ sơ sinh trong những năm đầu đời.

Hiểu đúng, sống khỏe với các bệnh liên quan tim mạch - 2

Bệnh tim bẩm sinh xuất hiện từ khi trẻ sinh ra - Hình minh họa

Bệnh mạch vành

Bệnh động mạch vành là tình trạng tích tụ những mảng xơ vữa hoặc Cholesterol lên thành động mạch khiến lòng động mạch bị hẹp, giảm khả năng lưu thông máu, hạn chế việc cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho các cơ quan trên cơ thể. Mảng xơ vữa phát triển lớn dần theo thời gian làm cho tim suy yếu dần.

Triệu chứng của bệnh khá mơ hồ, chỉ có cảm giác nặng ngực, đau thắt ngực bên trái khi xúc động, làm việc quá sức. Một số trường hợp có thể kèm theo cao huyết áp, đau đầu, chóng mắt, khó thở. Là nguyên nhân dẫn đến tử vong cao nhất với người cao tuổi bởi có thể gây nhồi máu cơ tim, nhưng có thể phòng ngừa được bằng cách xây dựng chế độ ăn uống khoa học, rèn luyện thể thao mỗi ngày và tầm soát bệnh theo định kỳ.

Hiểu đúng, sống khỏe với các bệnh liên quan tim mạch - 3

Bệnh mạch vành gây nhồi máu cơ tim dẫn đến tử vong - Hình minh họa

Bệnh tai biến mạch máu não

Tai biến mạch máu não xuất hiện khi tuần hoàn máu lên não bị gián đoạn, suy giảm nghiêm trọng, gây thiếu oxy, dinh dưỡng mô não, chết tế bào não dẫn đến các di chứng nặng nề cho bệnh nhân, thậm chí tử vong.

Theo BS. Trần Hoàng Tài My, người bị đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa. Một phần là do sự thay đổi về lối sống như ít vận động, làm việc với áp lực cao cùng sự xuất hiện của các bệnh lý liên quan đến mạch máu như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, rối loạn lipid máu. Phần còn lại là do sự phát triển của các phương tiện chẩn đoán ngày càng có độ chính xác cao hơn.

Hiểu đúng, sống khỏe với các bệnh liên quan tim mạch - 4

Bệnh tai biến mạch máu não dẫn đến tử vong nhanh nhất - Hình minh họa

Cách điều trị bệnh tim mạch

Điều trị một bệnh lý tim mạch nói chung gồm 2 phần:

  • Điều trị dùng thuốc: đến gặp bác sĩ và tuân thủ theo yêu cầu của bác sĩ

  • Điều trị không dùng thuốc: nên thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày, kiểm soát chế độ ăn uống, tránh ăn những loại mỡ của thực vật, vận động 150 phút/ tuần ( ít nhất 30 phút/ngày và 5 ngày trong tuần ). Bên cạnh đó, từ bỏ những thói quen xấu: hút thuốc, rượu bia, tránh ăn mặn…

Tuy nhiên, theo WHO bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu, chiếm tới 31% tổng số ca tử vong. Tại Việt Nam, bệnh tim mạch chịu trách nhiệm cho 31% tổng số ca tử vong trong năm 2016 tương đương với hơn 170.000 tử vong. Vì vậy, khi cơ thể có các dấu hiệu bất thường nên thăm khám càng sớm càng tốt nhằm phát hiện sớm, chữa trị kịp thời, hạn chế các biến chứng nguy hiểm.

Diễm Mai
Bình luận
vtcnews.vn