Ông Anbu Pandian, bác sĩ kiêm cố vấn y tế, cho biết việc tuân theo chế độ ăn uống phù hợp không chỉ liên quan đến những gì bạn ăn mà còn về thời gian và tần suất ăn uống. Các chiến lược dinh dưỡng tốt nhất được thiết kế để giúp giảm hoặc thậm chí loại bỏ một số yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như giảm mức cholesterol xấu LDL.
Bác sĩ Anbu cũng đã chia sẻ cách bạn có thể chăm sóc sức khỏe tim mạch của mình thông qua chế độ ăn uống.
Giảm chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa
Cách đơn giản nhất để giảm lượng chất béo bão hòa là sử dụng dầu không bão hòa đơn hoặc không bão hòa đa khi nấu. Các loại hạt và quả bơ là nguồn chất béo lành mạnh thay thế mà bạn có thể ăn.
Bổ sung nhiều trái cây và rau xanh
Bạn nên bổ sung trái cây và rau củ nhiều màu sắc trong mỗi bữa ăn, như cam, ớt đỏ hoặc cà chua, dâu tây, mâm xôi, đào, mận, cần tây xanh, rau diếp, kiwi, chuối tiêu vàng,… Ngoài ra, tránh xa bột mì trắng mà thay vào đó hãy ăn một số loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt.
Thay thế protein động vật bằng protein thực vật
Bạn có thể tăng cường các nguồn protein thực vật bằng cách ăn các loại đậu, hạt và ngũ cốc. Những thực phẩm này có chứa chất béo tốt giúp hỗ trợ giảm cân mà vẫn cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho sức khỏe.
Tránh đồ ăn ngọt và nước ngọt
Hạn chế lượng đường nạp vào cơ thể sẽ giúp cải thiện sức khỏe của bạn. Điều này là do tiêu thụ quá nhiều đường dẫn đến tăng cân và tiểu đường, đặc biệt là khi kết hợp với chế độ ăn uống kém như ăn thực phẩm chế biến sẵn có nhiều tinh bột hoặc chất béo.
Các sản phẩm sữa ít béo hoặc không béo
Các bác sĩ khuyến nghị chỉ nên uống 2-3 phần sữa mỗi ngày. Các sản phẩm từ sữa đã được chứng minh là tốt cho tim, xương và huyết áp. Tốt nhất là bạn nên dùng sữa tách béo hoặc chứa 1% chất béo để tránh làm tăng mức cholesterol.
Tăng lượng ngũ cốc nguyên hạt
Một trong những cách tốt nhất để đáp ứng lượng chất xơ hàng ngày là ăn ngũ cốc nguyên hạt. Carbohydrate từ ngũ cốc nguyên hạt cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất hơn so với các loại tinh chế, trong khi vẫn chứa ít calo.
Bình luận