Trong cuộc họp trực tuyến hôm 15/9 với Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ba quốc gia đang thực hiện “bước đi lịch sử”, thiết lập quan hệ đối tác an ninh mới – AUKUS. "Tất cả chúng ta đều nhận thấy sự cấp thiết của việc đảm bảo hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về lâu dài”, ông Biden nói.
Có lẽ phần nổi bật nhất của mối quan hệ đối tác ba bên này là Australia sẽ được trang bị một hạm đội tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) mới, có tầm hoạt động và hiệu quả hơn nhiều so với tàu chạy bằng động cơ diesel đắt tiền do Pháp chế tạo.
Mặc dù Trung Quốc không được đề cập rõ ràng trong thông báo của AUKUS, thông điệp được cho là thể hiện các chủ trương cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc và nâng cao đáng kể các cân nhắc chiến lược. Theo chuyên gia Sam Roggeveen của viện Lowy, dù chưa biết Mỹ có mong muốn một “chiến tranh Lạnh mới” với Trung Quốc hay không, “thông báo này là bằng chứng quan trọng cho thấy họ thực sự đã chuẩn bị cho điều đó".
Từ phía Australia, thỏa thuận được cho là một "canh bạc" đối với cam kết lâu dài của Washington, nhằm duy trì vị thế quân sự ở châu Á. Chuyên gia Rory Medcalf của Đại học Quốc gia Australia ví điều này như "đâm lao thì phải theo lao".
Nhiều nhà quan sát, bao gồm cả cựu Thủ tướng Australia Paul Keating và học giả nổi tiếng Hugh White, lưu ý rằng việc Mỹ trang bị cho Australia các tàu ngầm SSN là nhằm mong đợi sự tham gia tích cực của nước này khi nỗ lực ứng phó với Trung Quốc, bao gồm trường hợp xảy ra bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai.
Tác động đối với Đông Nam Á
Liên minh AUKUS có thể có ý nghĩa quan trọng đối với Đông Nam Á, khu vực nằm ở trung tâm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời là mối quan tâm chính của các quan hệ đối tác mới. Cho đến nay, các chính phủ khu vực khá kín tiếng về thông báo này, và phản ứng của họ đối với sáng kiến mới được dự đoán sẽ có sự khác biệt.
Tác giả Sebastian Strangio viết trên The Diplomat rằng, có khả năng các quan chức ở một số quốc gia - đặc biệt là những quốc gia đang đối mặt với khó khăn liên quan đến sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông - sẽ âm thầm ủng hộ động thái mới. Điều này sẽ khiến Trung Quốc phải nghĩ đến cái giá cao hơn cho bất kỳ hoạt động "phiêu lưu quân sự" nào.
Nhưng nếu khả năng xảy ra xung đột tăng lên, khu vực có thể trở nên bối rối. AUKUS giúp ngăn chặn hành động quân sự của Trung Quốc nhưng đồng thời có thể khiến một cuộc xung đột trở nên nghiêm trọng hơn nhiều nếu nó nổ ra. Và khi đó Đông Nam Á, trung tâm của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương`, sẽ ở vị trí tuyến đầu.
Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thiết lập thành công vai trò trung tâm của mình trong cấu trúc ngoại giao. Là chủ nhà của các hội nghị cấp cao quốc tế lớn như Hội nghị Cấp cao Đông Á và Diễn đàn Khu vực ASEAN, ASEAN đã có thể thực hiện một vai trò trung gian thông qua các quyền định hình chương trình nghị sự.
Không có gì ngạc nhiên khi thời kỳ ASEAN trở thành cơ quan trung gian quan trọng lại trùng khớp với thời kỳ bình ổn chiến lược tương đối sau Chiến tranh Lạnh. Nhưng theo chuyên gia Evan Laksmana thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Jakarta, nỗi lo sâu sắc nhất của Indonesia là thỏa thuận mới khiến nước này trở thành một “người theo dõi chiến lược”, chịu sự chi phối của các lực lượng nằm ngoài tầm kiểm soát. Điều tương tự cũng có thể xảy ra đối với toàn bộ khu vực Đông Nam Á.
Indonesia là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên đưa ra phản ứng về kế hoạch mua sắm các tàu ngầm tấn công hạt nhân của Australia. Chính phủ Indonesia cho rằng kế hoạch đóng tàu ngầm hạt nhân của Australia có thể đẩy cả khu vực vào một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Malaysia cũng bày tỏ lo ngại rằng mối quan hệ đối tác an ninh liên quan đến Australia, Anh và Mỹ có khả năng châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khiến các cường quốc hành động hung hăng hơn ở khu vực, đặc biệt là trên Biển Đông. "Là một quốc gia trong ASEAN, Malaysia giữ nguyên tắc duy trì ASEAN như một Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOFPAN)", văn phòng Thủ tướng Malaysia tuyên bố.
CPTPP
Động thái mới có khả năng củng cố nhận thức rằng sự tham gia của Mỹ với khu vực có trọng lượng quá lớn về an ninh, trong khi các quốc gia Đông Nam Á có những thách thức khác phải đối mặt, từ đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, đến triển vọng kinh tế khó khăn.
Ở cấp độ sâu hơn, nhận thức của Đông Nam Á và Mỹ đối với mối đe dọa mà Trung Quốc có thể gây ra là khác nhau, và định nghĩa “cạnh tranh” của Trung Quốc và Mỹ cũng khác nhau.
So với Đông Nam Á, phản ứng của Trung Quốc đối với AUKUS có thể dự đoán được. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này chỉ trích nhóm là phản ánh "tâm lý tổng bằng không thời Chiến tranh Lạnh lỗi thời, và nhận thức địa chính trị hẹp hòi", thể hiện sự "tăng cường" chạy đua vũ trang trong khu vực.
Ngoài việc hoàn toàn phản đối mối quan hệ đối tác ba bên của Mỹ, Bắc Kinh có thể sẽ muốn tận dụng lợi thế so với Washington về kinh tế. Một cách trùng hợp, một ngày sau khi AUKUS được công bố, Trung Quốc chính thức xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Động thái báo hiệu bản chất lợi ích chiến lược của Bắc Kinh ở Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương: tăng cường hội nhập kinh tế với khu vực và tăng ảnh hưởng kinh tế. Mặc dù việc gia nhập CPTPP của Trung Quốc phải đối mặt với một số trở ngại, nhưng thực tế là Mỹ hiện đang đứng ngoài hai hiệp ước thương mại lớn ở châu Á - Thái Bình Dương.
Bình luận