Trong báo cáo kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố về đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 – 2020 tầm nhìn 2030, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch, giao 37 nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan.
Thời gian qua, phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh, người sử dụng phương tiện giao thông công cộng còn hạn chế dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường ở một số vị trí trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp.
UBND thành phố cho biết đang tập trung phối hợp, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khung theo quy hoạch và các kế hoạch đã có.
Đồng thời, tập trung mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ nay đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng vào năm 2020 đạt trên 20% và các điều kiện thực hiện dừng hoạt động xe máy tại các quận vào năm 2030.
Thành phố sẽ hoàn thiện 2 Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”; “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các Quận vào năm 2030”.
Đối với đề xuất đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.
“Đây là nhiệm vụ cần thiết, nhưng là một việc khó, phức tạp và nhạy cảm, động chạm đến tâm tư, tình cảm và cuộc sống của rất nhiều người dân trong và ngoài Thành phố”, văn bản của TP Hà Nội nêu.
Bình luận