Sở GTVT Hà Nội vừa đưa ra đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP" để lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, trong đó có giải pháp tiến tới hạn chế xe máy trong khu vực nội thành và cấm ô tô cá nhân theo giờ.
Dự kiến đề án sẽ hoàn thành, trình Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ TP vào đầu tháng 10/2016.
Thu phí ô tô giờ cao điểm vào nội đô
Trước đây cho phép người dân mua sắm xe máy thoải mái, giờ lại cấm với lộ trình quá ngắn thì người dân khó xoay xở
TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông
Đề án đưa ra các nhóm giải pháp như tăng cường vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân (ô tô con, xe máy, ô tô tải, xe máy điện, xe đạp điện, xe đạp), ứng dụng công nghệ như thu phí tự động... Cụ thể, Sở GTVT dự kiến có cơ chế quản lý về niên hạn sử dụng và tiêu chuẩn khí thải của xe máy; thu hồi, buộc tiêu hủy các phương tiện ô tô, xe máy quá niên hạn sử dụng và không đủ tiêu chuẩn khí thải; kiểm soát việc gia tăng số lượng các loại hình vận tải hành khách, không khuyến khích phát triển xe taxi, xích lô, xe ôm... Quy định cụ thể về mức tăng số lượng phương tiện ô tô, xe máy hằng năm cho giai đoạn 2016 - 2020; 2021 - 2025.
Trong đó, đối với ô tô sẽ giảm dần tiến tới dừng cấp phép sử dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi đỗ ô tô, xe máy tại 4 quận nội đô (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa). Đặc biệt, với ô tô con cá nhân, sẽ dừng hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực; một số khu vực cho phép ô tô cá nhân đi vào giờ cao điểm nhưng sẽ thu phí.
Đối với ô tô tải, đảm bảo hoạt động của xe chuyên chở hàng hóa, kết nối hợp lý hoạt động của xe tải lớn với các xe tải nhỏ tại Vành đai 3 đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tếxã hội. Xe tải dưới 1,25 tấn dừng hoạt động trong giờ cao điểm; xe trên 1,25 tấn chỉ được hoạt động trong khung giờ 21 giờ đến 6 giờ sáng.
Để hỗ trợ cho việc hạn chế ô tô cá nhân, Sở GTVT kiến nghị xây dựng khung giá dịch vụ trông giữ phương tiện cá nhân theo hướng tăng lũy tiến theo thời gian và theo khu vực cụ thể. Nghiên cứu, đề xuất tăng lệ phí trước bạ đối với ô tô con đăng ký lần đầu, tổ chức thu phí ô tô vào khu vực nội đô giờ cao điểm, tổ chức thu phí khu trung tâm 4 quận nội thành từ Vành đai 2 trở vào.
Cấm xe máy bắt đầu từ 2021
Với xe máy, đề án cũng đề xuất nghiên cứu lộ trình tăng phí trông giữ tại khu vực trung tâm, các khu vực không khuyến khích sử dụng phương tiện cá nhân. Xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí cho người dân khi tiến hành thu hồi phương tiện xe máy không đảm bảo theo tiêu chuẩn.
Cụ thể, lộ trình hạn chế xe máy theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, tết vào năm 2020. Năm 2021, dừng hoạt động đối với xe máy không đăng ký tại Hà Nội (biển kiểm soát ngoại tỉnh) vào khu vực nội đô Vành đai 1 từ 7 - 19 giờ hằng ngày, đồng thời mở rộng thời gian hạn chế xe máy trong khu vực phố cổ 7 ngày/tuần và 24 giờ/ngày.
Giai đoạn 2: dừng hoạt động đối với xe máy không đăng ký tại Hà Nội trong Vành đai 2, đồng thời mở rộng khu vực hạn chế ra khu vực phố cũ với thời gian cấm 7 ngày/tuần và 24 giờ/ngày vào năm 2023. Giai đoạn 3: đến năm 2025 mở rộng khu vực hạn chế hoạt động của xe máy tại một số khu vực trong Vành đai 3. Đồng thời, hoàn thành Quy hoạch hệ thống các điểm trung chuyển, điểm, bãi đỗ xe và Quy hoạch vận tải đa phương thức nhằm hỗ trợ tối đa cho người dân tiếp cận tốt nhất với hệ thống VTHKCC vào khu vực trung tâm TP.
Để thực hiện được lộ trình hạn chế xe cá nhân trên, Sở GTVT cũng dự kiến 2 giai đoạn phát triển xe khách công cộng: giai đoạn 1 (2016 - 2020) VTHKCC sẽ phát triển đột phá, đến năm 2020 đáp ứng 25% tương đương 5,78 triệu chuyến đi/ngày đêm. Giai đoạn 2 (2021 - 2025) vận tải công cộng đáp ứng 32% tương đương 8,27 triệu chuyến đi/ngày đêm, trong đó BRT hoàn thiện 4/7 tuyến, đường sắt đô thị 5/9 tuyến. Giảm 4,97 triệu chuyến đi/ngày đêm từ phương tiện cá nhân sang công cộng.
Cần lộ trình hợp lý
Trả lời Thanh Niên, nhiều chuyên gia cho rằng lộ trình hạn chế xe cá nhân Sở GTVT đưa ra sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người. Trong khi đó, dù đã lấy dẫn chứng và kinh nghiệm từ các nước khác, nhưng các giải pháp và số lượng mục tiêu đề ra chưa thực sự phù hợp với thực tiễn địa phương.
Theo chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy, lộ trình Sở GTVT Hà Nội đặt ra từ nay đến năm 2025 hạn chế xe cá nhân gồm cả ô tô, xe máy là chưa hợp lý, thay vào đó chỉ nên hạn chế xe vào giờ cao điểm. “Tính đến mốc 2025 lộ trình chỉ còn gần 10 năm nữa thì VTHKCC của Hà Nội chưa thay đổi được nhiều.
Tổng công ty vận tải Hà Nội Transerco vừa tổ chức hội thảo mới đây cho biết xe buýt đang thụt lùi về tăng trưởng số lượng hành khách, dự án đường sắt đô thị thì rất chậm, giậm chân tại chỗ. Đến năm 2020 - 2025 chỉ mong tăng gấp đôi vận tải công cộng, tức khoảng 20 - 25%, không thể đảm bảo các mục tiêu như Sở GTVT Hà Nội đặt ra.
Có thể cấm bằng biện pháp hành chính nhưng phải tính đến nhân dân lao động đi bằng gì. Làm gì cũng phải nghĩ đến người dân”, ông Thủy phân tích. Cũng theo chuyên gia này, xe máy có mặt trái là ít tiền, tính cơ động nên gia đình nào cũng sắm được, lượng xe cá nhân tăng quá nhanh. “Trước đây cho phép người dân mua sắm xe máy thoải mái, giờ lại cấm với lộ trình quá ngắn thì người dân khó xoay xở”, TS Thủy lo ngại.
Một chuyên giao thông cho rằng nếu thực hiện theo cách cấm từng khu vực thì cũng khó khả thi, vì cấm cục bộ sẽ cắt đứt quá trình giao thông. Chưa kể biện pháp cấm xe máy biển ngoại tỉnh có thể phát sinh nguy cơ chạy đua ngầm để đăng ký biển Hà Nội. “Bao nhiêu phần trăm người dân tại các tỉnh vào Hà Nội: con số này rất lớn. Hà Nội theo định lượng của tôi mỗi ngày số lượt đi lại của người ngoại tỉnh chiếm đến 60%.
Cấm như thế này khác gì ngăn sông cấm chợ, rất khó khả thi và bất hợp lý”, ông này nhận định và cho rằng “cấm hoặc hạn chế chỉ nên tập trung vào các phố đi bộ, chỗ du lịch có thể hạn chế xe”. Về lâu dài, chuyên gia này kiến nghị vẫn phải giãn lộ trình cấm xe cá nhân cho phù hợp với giải pháp căn cơ phát triển hạ tầng phải tốt lên, mở rộng cửa ngõ vào TP, cầu vượt, hầm ngầm, đặc biệt phát triển VTHKCC mạnh lên chứ không rề rà như hiện nay. “Nếu mục tiêu vận tải công cộng đạt được 20 - 25% vào năm 2025 thì người dân cũng đã bớt sử dụng xe cá nhân”, ông này nói.
Hai kịch bản
Theo tính toán của Sở GTVT, dự báo tổng số chuyến đi/ngày đêm đến năm 2020 trên địa bàn TP là 23,4 triệu chuyến đi và đến năm 2025 là 25,8 triệu chuyến đi. Với kịch bản tăng trưởng tự nhiên phương tiện ô tô, xe máy như tốc độ dự báo, đến năm 2020 là 938.378 xe ô tô và 6.280.815 xe máy, đến 2025 là 1.328.809 ô tô và 7.316.660 xe máy. Nếu toàn bộ số phương tiện đổ ra đường sẽ chiếm 99,89% diện tích mặt đường, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Đây là kịch bản phát triển không hợp lý, làm tiếp diễn sự bùng nổ của phương tiện cá nhân trong tương lai và ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Kịch bản 2, với điều kiện hạ tầng giao thông phát triển theo quy hoạch, đến năm 2020 VTHKCC đáp ứng 25%, tương đương 5,78 triệu chuyến đi/ngày đêm; vận tải cá nhân đáp ứng 75%, tương ứng 17,35 triệu chuyến đi/ngày đêm, tương đương giảm khoảng 20.000 ô tô con/năm và 120.000 xe máy/năm. Đến năm 2025, VTHKCC đáp ứng 32%, tương đương 8,27 triệu chuyến đi/ngày đêm; vận tải cá nhân đáp ứng 68%, tương đương 17,58 triệu chuyến đi/ngày đêm, tương đương giảm khoảng 30.000 ô tô con/năm và 180.000 xe máy/năm. Đề án nghiên cứu phát triển theo kịch bản 2.
Video: Trung Quốc thử nghiệm siêu xe buýt khổng lồ chống tắc đường
Bình luận