100% giáo viên cốt cán được bồi dưỡng
PGS.TS Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (gọi tắt là ETEP) cho biết, đến hết năm 2019, công tác bồi dưỡng phục vụ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới hoàn thiện ở giai đoạn 1.
Việc bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tìm hiểu về Chương trình giáo dục phổ thông mới thực hiện trên 4 nhóm, gồm: Giảng viên sư phạm chủ chốt; cán bộ quản lý cấp sở/phòng GD&ĐT; giáo viên phổ thông; hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông.
Đồng thời, mỗi nhóm có thêm nội dung bồi dưỡng phân hóa. Cụ thể, với giảng viên sư phạm được bồi dưỡng thêm phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực với các chuyên gia Australia; phát triển nội dung, tài liệu, phương thức bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý đáp ứng nhu cầu về năng lực triển khai thực hiện chương trình phổ thông mới.
Các cán bộ quản lý cấp sở/phòng GD&ĐT được bồi dưỡng về chuẩn bị điều kiện để triển khai thực hiện Chương trình phổ thông mới. Giáo viên phổ thông được tìm hiểu sâu thêm về các chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Hiệu trưởng cơ sở giáo dục được bồi dưỡng thêm nội dung quản trị hoạt động dạy học, giáo dục trong nhà trường.
Theo PGS Hiền, tính đến hết tháng 12/2019, ETEP thực hiện bồi dưỡng được hơn 28 nghìn giáo viên cốt cán toàn quốc; hơn 4 nghìn hiệu trưởng cốt cán; 1.028 cán bộ quản lý cấp sở/phòng GD&ĐT và 800 giảng viên sư phạm chủ chốt. Như vậy, hoạt động bồi dưỡng cốt cán hoàn thành 100% theo đúng số lượng cam kết với Ngân hàng Thế giới
Chương trình là chính, sách giáo khoa là phụ
Tiếp tục kế hoạch của Bộ GD&ĐT, từ tháng 1 đến 3/2020 các địa phương triển khai bồi dưỡng đại trà. Cách thức triển khai cũng như bồi dưỡng cốt cán.
Khi đó, các thầy cô được cấp tài khoản tự học trước trên máy tính, có sự hỗ trợ của giáo viên cốt cán đã được đào tạo trong năm 2019 trả lời thắc mắc trên hệ thống (hoặc địa phương có thể tổ chức sinh hoạt chuyên môn trực tiếp và thầy cô cốt cán được mời đến chia sẻ).
Vị chuyên gia này cho rằng, điểm khác biệt lớn của công tác bồi dưỡng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới là tài liệu công khai có sẵn trên hệ thống, thầy cô có thể sử dụng tự học bất cứ lúc nào.
PGS Hiền cho biết thêm, trong năm 2020, dự kiến số mô-đun bồi dưỡng sẽ nhiều hơn (3 mô-đun hiện tại), gồm: phương pháp dạy học; kiểm tra, đánh giá; xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục của môn học.
Thực tế hiện nay, giáo viên đa phần chỉ dạy trên 1 cuốn sách, dù thầy cô có tham khảo thêm nhiều nguồn tài liệu nhưng chưa rõ ràng. Đến chương trình phổ thông mới sẽ lấy chuẩn kiến thức, kỹ năng là gốc để phát triển thêm các tài liệu xung quanh đã có.
Quan trọng giáo viên phải nhạy bén, biết cách đổi mới phương án dạy, sang linh hoạt sáng tạo hơn hiện tại. "Điều này không chỉ giáo viên mà cả hiệu trưởng, các nhà quản lý cũng phải xây dựng kế hoạch giáo dục dựa trên chương trình mới, để từ đó phân luồng tuyến, mạch kiến thức.
Cách tốt nhất để mục tiêu giáo dục đạt được yêu cầu của chương trình phổ thông mới là làm thế nào để giáo viên thoát được sách giáo khoa, vì lâu nay chúng ta phụ thuộc sách giáo khoa quá nhiều", ông Hiền khẳng định.
Trong mô- đun tìm hiểu chương trình có một phần nhiệm vụ cho thầy cô phát triển giáo án. Các giảng viên không hướng dẫn thầy cô dùng sách cụ thể nào mà chỉ dựa vào yêu cầu cần đạt của chương trình về phẩm chất, năng lực để phát triển giáo án.
Lần đổi mới này, việc hiểu và nắm chắc chương trình là hết sức quan trọng. Nếu giáo viên thực sự nắm chắc chương trình và hiểu được bản chất chương trình thì có thể chủ động, sáng tạo phát triển hoạt động giáo dục dù ở bất kỳ bộ sách, môn học nào.
Để tiếp tục hoàn thành tốt việc bồi dưỡng trong thời gian tới, PGS Hiền nhấn mạnh, rất cần sự phối hợp giữa các trường sư phạm được giao nhiệm vụ bồi dưỡng với các sở GD&ĐT; về sự quan trọng và cần thiết của hệ thống quản lý học tập qua mạng…
Bình luận