Theo đó, về hướng dẫn chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, Bộ Tài chính dự thảo: Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT), áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết 31/12/2022, trừ nhóm hàng dịch vụ sau:
Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, hóa chất và sản phẩm hóa chất;
Sản phẩm hàng hóa dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt;
Chi tiết hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế GTGT quy định tại điểm a và b thực hiện theo Phụ lục 1 và Phụ lục 2 ban hành kèm theo Nghị định.
Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại các Phụ lục 1, 2 ban hành kèm theo Nghị định này thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc đối tượng chịu thuế GTGT 5% theo quy định của Luật Thuế GTGT thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế GTGT.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng quy định thực hiện chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Nghị định dự kiến có hiệu lực từ 1/2/2022.
Theo Bộ Tài chính, với chính sách trên, dự kiến thu ngân sách nhà nước năm 2022 giảm khoảng 51.400 tỷ đồng, trong đó, riêng giảm thuế GTGT là khoảng 49.400 tỷ đồng; thực hiện chi phí được trừ đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 là khoảng 2.000 tỷ đồng.
Số tiền thuế được hỗ trợ này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19 để có thể tiếp tục hoạt động, đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Bình luận