Đây là thông tin vừa được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thuế năm 2021 và triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ công tác thuế năm 2022.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, đến ngày 24/12, thu ngân sách do ngành thuế quản lý đạt hơn 1,51 triệu tỷ đồng, vượt 12,47% dự toán.
Trong đó, TP.HCM là đơn vị đóng góp lớn nhất cho ngân sách, ước tính vượt dự toán cả năm 3%, tương đương thu ngân sách năm 2020, bao gồm nguồn thu đột biến liên quan đến tài chính ngân hàng, bất động sản. Với Hà Nội, tổng thu ngân sách ước vượt 9% dự toán. Cụ thể, kết quả thu ngân sách tại Hà Nội ước đạt 232.605 tỷ đồng.
Hai thành phố lớn trên nằm trong 60/63 địa phương dự kiến vượt dự toán thu ngân sách năm nay. Ba địa phương dự kiến không hoàn thành dự toán là Cần Thơ (89,9%), Đồng Tháp (86,7%), Tiền Giang (77,9%). Nguyên nhân do tác động của dịch bệnh làm giảm sâu nguồn thu trên địa bàn.
Theo báo cáo, ước thu năm 2021 của các cục thuế, 14/19 khoản thu, sắc thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán. Trong đó, 5 khoản thu không hoàn thành dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường (90%), thu phí lệ phí (91,9%), thu tiền bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước (73,5%), thu xổ số (91,7%), thu chênh lệch thu chi NHNN (39,4%).
Về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, ước tính năm 2021 đã có gần 140.000 đơn đề nghị (120.021 doanh nghiệp tổ chức và 19.487 hộ, cá nhân kinh doanh) được gia hạn nộp thuế với tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn là 92.900 tỷ đồng.
Đối với hộ, cá nhân kinh doanh, ước tính số thuế được miễn đến hết tháng 12 khoảng 6.698 tỷ đồng, số thuế đã nộp sẽ được trừ trong năm 2022.
Bên cạnh các giải pháp, giãn hoãn thuế và hỗ trợ cho doanh nghiệp, ngành Thuế đã triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thu ngân sách. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra đạt 45.332 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 7.616 tỷ đồng, bằng 74% số tăng thu qua thanh tra kiểm tra.
Liên quan các gói miễn giảm thuế, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, sau nhiều lần trao đổi, theo gợi ý của Quốc hội, gói miễn giảm thuế thời gian tới dự kiến được nâng lên mức 60.000 tỷ đồng. Quy mô này cao gấp 3 lần gói miễn giảm thuế được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành tháng 10/2021.
Về nhiệm vụ thu ngân sách năm 2022, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá, để hoàn thành, ngành thuế phải tích cực, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn trong đại dịch.
Cùng với đó, ngành thuế phải đẩy mạnh chống chuyển giá, trốn thuế, trục lợi và gian lận thuế, tăng cường thu ở những lĩnh vực tiềm năng như sàn thương mại giao dịch điện tử, nền tảng số, bất động sản, khoáng sản, ngân hàng, chứng khoán.
Về công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, năm 2021, qua rà soát, cơ quan thuế đã thu được 1.314 tỷ đồng từ các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, Youtube, Facebook...
Số thu từ cá nhân tự kê khai, số thuế truy thu, tiền phạt qua thanh tra kiểm tra đối với cá nhân cư trú tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (tiếp thị, quảng cáo trực tuyến, sản xuất nội dung số, ứng dụng công nghệ thộng tin...) tại các trang mạng xã hội nước ngoài Google, Facebook, Youtube... tính đến hết tháng 10/2021 cả nước là 498 tỷ đồng.
Năm 2022: Giao dự toán thu 3.200 tỷ đồng tiền thuế/ngày
Năm 2022, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao dự toán thu ngân sách cho ngành Thuế là 1.174.900 tỷ đồng, trong đó thu từ dầu thô là 28.200 tỷ đồng và thu nội địa là 1.146.700 tỷ đồng. Tổng cục Thuế đánh giá đây là nhiệm vụ rất khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến khó lường với nhiều biến chủng mới.
Bình luận